Thành nhà Hồ Thanh Hóa phế tích hơn 600 năm đầy bí ẩn

Khi nói đến du lịch Thanh Hóa, người ta sẽ liên tưởng đến thành nhà Hồ vì nơi đây từng là kinh đô của nhà nước Đại Ngu được trị vì bởi Hồ Quý Ly. Thành nhà Hồ rất nổi tiếng vì lối kiến trúc độc nhất vô nhị, bề thế và vững chắc nhất thời bấy giờ.

Khi nói đến du lịch Thanh Hóa, người ta sẽ liên tưởng đến thành nhà Hồ vì nơi đây từng là kinh đô của nhà nước Đại Ngu được trị vì bởi Hồ Quý Ly. Thành nhà Hồ rất nổi tiếng vì lối kiến trúc độc nhất vô nhị, bề thế và vững chắc nhất thời bấy giờ.

Cổng chính phía Nam thành nhà Hồ - Ảnh: Quang Minh

Thành nhà Hồ là tên gọi quen thuộc nhất mà chúng ta từng biết, ngoài ra thành còn có các tên gọi như thành An Tôn, thành Tây Giai, thành Tây Đô. Thành thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Là một trong những di tích lịch sử độc đáo, Thành nhà Hồ là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Cách Hà Nội khoảng hơn 3 tiếng nếu đi bằng xe ô tô, Thành nhà Hồ là một trong những điểm đến không thể thiếu nếu đến Thanh Hóa.

Thành nhà Hồ được chia làm 3 phần, lần lượt đi từ ngoài vào trong đó là La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là thành ngoài cùng được đắp bằng đất, xung quanh có các lũy tre bao bọc, có chức năng bảo vệ Hoàng thành. Tiếp đó là Hào thành nằm giữa gần bên chân thành để dẫn nước và cũng có chức năng bảo vệ Hoàng thành.

Núi đá An Tôn-nơi nhà Hồ lấy đá xây dựng thành - Ảnh: skyscrapercity 

Một hình ảnh mộc mạc của thành nhà Hồ - Ảnh: phuong hoang

Cuối cùng là Hoàng thành, là nơi trọng yếu của kinh đô. Hoàng thành được xây dựng theo cấu trúc hình vuông theo bốn hướng Nam, Bắc, Tây, Đông. Bốn phía đều có các cổng thành đi lại có tên gọi lần lượt là Tiền, Hậu, Tả, Hữu. Ba cổng Hậu, Tả, Hữu mỗi cổng đều có một cửa ở giữa. Riêng cổng Tiền nằm ở phía Nam, cũng là cổng chính của Thành thì có 3 cửa, cửa lớn nhất nằm chính giữa, hai cổng nhỏ hơn nằm hai bên.

Các cửa đều xây theo dạng mái vòm được xếp theo hình múi bưởi, xếp khít vào nhau. Cửa là nơi duy nhất của cả công trình thành nhà Hồ được sử dụng chất kết dính để tạo sự vững chắc và thẩm mĩ cho cổng thành.

Cổng phía Bắc thành nhà Hồ - Ảnh: vietnamtourism 

Lối kiến trúc đặc sắc của thành Tây, khu di tích thành nhà Hồ - Ảnh: Internet

Toàn bộ tường thành được xây dựng từ những tảng đá phiến to lớn hình chữ nhật có khối lượng mỗi phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn. Thành nhà Hồ là tòa thành đầu tiên và duy nhất ở nước ta được xây từ những tảng đá lớn như vậy. Mỗi phiến đá được đục đẽo và mài khá nhẵn, xếp chồng lên nhau tạo nên tường thành to lớn mà không cần chất kết dính, trải qua hơn 600 năm vẫn vững bền và khá nguyên vẹn.

Tường thành với những phiến đá lớn xếp chồng lên nhau - Ảnh: Sưu tầm

Ngoài các di tích trên, du khách còn có thể đi tham quan các công trình khác như đàn tế Nam Giao, đền thờ nàng Bình Khương, chùa Giáng… Đàn tế Nam Giao nằm ở phía Nam kinh thành, thẳng với cổng Tiền. Đây là nơi dùng để thực hiện các nghi thức tế lễ trời đát quan trọng của kinh đô. Đàn được xây dựng từ các bậc thấp tới cao, nơi cao nhất khoảng hơn 20m so với mực nước biển. Hiện nay, tại khu đàn tế Nam Giao đã cho xây dựng thành khu khảo cổ để nghiên cứu lịch sử văn hóa thành nhà Hồ.

Đàn tế Nam Giao nằm ở phía Nam kinh thành - Ảnh: Lam Sơn

Về phía nam thành là đền thờ nàng Bình Khương – vợ của viên chỉ huy xây dựng thành Trần Công Sĩ. Tương truyền rằng Hồ Quý Ly nghi ngờ Trần Công Sỹ tạo phản nên cho quân đem giết, nàng Bình Khương vì biết chồng mình bị oan, kêu mãi không thấu rồi nàng chạy tới thành đập đầu vỗ tay vào phiến đá kêu oan cho chồng. Hiện nay trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: Phiến đá có in rõ hình dấu tay và vòm trán nàng Bình Khương, bia đá dựng năm Thành Thái thứ 15…

Cổng tam quan của Tường Vân tự  - Ảnh: Nguyên Chính

Ngoài ra còn có Chùa Giáng hay còn gọi là Tường Vân tự, nằm cách trung tâm Thành Nhà Hồ khoảng 2,5km về phía Đông Nam. Chùa được xây dựng dưới chân núi Đốn Sơn vào thời vua Trần Duệ Tôn.

Xa xa thành nhà Hồ, du khách còn bắt gặp trên con đường dẫn tới thành, trơ trọi giữa hai bên đồng ruộng mênh mông là 2 con rồng đá bị mất đầu. Rồng được điêu khắc tinh tế và mềm mại thể hiện rõ kỹ thuật điêu khắc thời Trần.

Bên cạnh những di tích chính kể trên, di sản thành nhà Hồ còn có những đi tích khác như: Đền thờ Trần Khắc Chân, Chùa Du An, Động Hồ Công, Đền Tam Tổng…

Cặp rồng bằng đá bị mất đầu ở thành nhà Hồ - Ảnh: Internet 

Phòng trưng bày bổ sung di tích thành nhà Hồ - Ảnh: Sưu tầm 

Cổng thành Bắc lọt thỏm giữa cánh đồng xanh mướt - Ảnh: Sưu tầm

Nhân dân ta có câu “nước chảy đá mòn”, vậy mà đã hơn 600 năm trôi qua, thành nhà Hồ vẫn uy nghi trầm mặc và ẩn chứa trong đó nhiều bí ẩn, nhiều câu chuyện vẫn chưa được giải thích. Nếu có dịp, du khách hãy ghé thăm kinh đô nhà Hồ một thời, biết đâu được chính bạn sẽ khám phá ra được một trong những bí ẩn nơi đây.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social