Không những được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu rất tuyệt vời, mà Đà Lạt còn được ban tặng những sản phẩm độc lạ và hấp dẫn mà không nơi nào dễ dàng có được. Không cần cầu kỳ chăm sóc, tưới tiêu, không kén chọn đất tốt xấu, không quản sương mưa gió,.. Cây hồng Đà Lạt cứ thế lớn lên, ra hoa,kết trái như một lẽ dĩ nhiên có trên mảnh đất phố núi mùa sương.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Cây hồng du nhập đến Đà Lạt vào nhiều thời kỳ và nhiều cách khác nhau,.. Vào khoảng năm 1889, khi người Pháp lập thử vườn trồng tỉa tại DanKia. Đến năm 1933, khi Đà Lạt có đường xe lửa, xe ô tô, người Pháp và Việt đã đưa cây hồng đến các nhà vườn. Cây hồng Đà Lạt có giống từ Nhật Bản, Nam triều Tiên, Hạ Uy Di và được trồng thực nghiệm ở vườn hoa, đèo Prenn… Từ đó đến năm 1991, cây hồng đã phát triển gần 80 – 90% gia đình nào cũng có vườn trồng một đến hàng trăm cây.
Những cây Hồng bắt đầu rụng lá và vàng rực những trái chín.
Mùa hồng Đà Lạt bắt đầu từ giữa tháng 9, và đến mùa của những cơn gió mùa đông vào cuối tháng 11 dầu tháng 12 thì những cây hồng trụi hẳn lá, chỉ còn lại những quả hồng thắm đỏ trên các cành cây. Đây là mùa đẹp nhất của những vườn hồng Đà Lạt, du khách có thể ghé thăm ngắm các vườn hồng đầy trái chín mọng ở khu vườn gần Dinh III Bảo Đại, hay chạy xe khoảng 5km tới đèo Mimosa. Tuy quy mô không lớn lắm nhưng những vườn hồng ở đây cũng sẽ thỏa lòng du khách ngắm nhìn, chụp ảnh, ăn thử và mua về làm quà.
Loại được ưa chuộng là hồng vuông và hồng bánh xe. Hồng vuông trái to, ăn giòn và ngọt. Còn hồng bánh xe khi chín ăn vừa dẻo, vừa ngọt va thơm vị đường. Nhưng muốn ăn từ trên cây thì phải chờ trái chín thật chín, còn nếu không sẽ bị chát. Chính vì thế hồng tươi ngày xưa ở đà lạt rất ít, chỉ có hồng khô và hồng sấy.
Một chùm hồng chín vào đầu mùa ở huyện Đơn Dương ngoại thành Đà Lạt. Ảnh: Hanh Phan
Còn ngày nay, cây hồng Đà Lạt có rất nhiều giống và chủng loại mới. Nhưng gọi chung lại là có hồng nước, gồm các loại hồng dẻo, hồng dai (hồng trứng). loại này thường ăn tươi, ép nước, là giấm hồng giành cho các loại rau trộn ở Đà Lạt. Và hồng giòn, là loại được ưa chuộng nhất. Còn được gọi là hồng vuông, hồng chén hay hồng ngọt. Hồng giòn Đà Lạt có vị ngon ngọt, thơm thơm, khi chẻ ra miếng vừa ăn, cho vào miệng nhai nghe dòn rộp rộp rất thú vị. Về sau này người dân Đà Lạt chuyển sang thu hoạch các loại hồng khi trái vừa già và chế biến thành hồng giòn. Vừa dễ vận chuyển, vừa để được lâu không bị hư, ăn lại rất giòn và ngọt.
Khung cảnh thơ mộng bên vườn Hồng mùa thu về. Ảnh: Hanh Phan
Cách làm cũng rất đơn giản, quả hồng được hái trên cây xuống được lựa lại rất cẩn thận, những quả bị trầy xước sẽ làm hồng khô, hồng sấy. Còn những quả đẹp sẽ làm hồng giòn, trước đây người ta ủ với nước vôi. Còn bây giờ chỉ cần cho hồng vào túi nilông trắng,sạch rồi cột chặt để khoảng 10 ngày, hồng sẽ mất hẳn vị chát,chỉ còn lại vị giòn ngọt vừa ăn.
Không chỉ là thức quà ăn vặt hấp dẫn, quả hồng giòn còn có rất nhiều giá trị. Phấn hồng, cuống hồng, vỏ hồng và thịt quả hồng đều là những vị thuốc chữa bệnh như : chữa nấc, chữa viêm ruột, kiết lị, dị ứng da, điều trị cao huyết áp, ho,.. Mùa thu, những vườn hồng Đà Lạt nhuốm một màu vàng đỏ. Phải tới tận nơi, tiếp xúc với những chủ vườn thân thiện, chứng kiến quy trình hái hồng mới cảm nhận hết tinh túy của loại quà dân dã này.
Mùa hồng, đến với thành phố Đà Lạt, lãng đãng bước chân dạo quanh chợ Đà Lạt, cái cảm giác gió se lạnh phảng phất trên vai, dư vị của cơn mưa ngọt lạnh đêm qua như còn đọng lại đôi chút. Nhấm nháp miếng hồng giòn, mọi điều như tan biến, chỉ có vị ngọt ngào của Đà Lạt mùa thu – mùa hồng chín.