Tình sử Đà Lạt

Đà Lạt là một thành phố thiên đường của du lịch và nghĩ dưỡng, một thời hoàng kim Đà Lạt từng là nơi sinh sống và làm việc của các nhân vật quan trọng như vua Bảo Đại, tổng thống Ngô Đình Diệm, toàn quyền Đông Dương...

Đà Lạt là một thành phố thiên đường của du lịch và nghĩ dưỡng, một thời hoàng kim Đà Lạt từng là nơi sinh sống và làm việc của các nhân vật quan trọng như vua Bảo Đại, tổng thống Ngô Đình Diệm, toàn quyền Đông Dương...

Vùng đất Đà Lạt được khám phá do một người Thụy Sĩ lai Pháp là BS Alexandre Yersin vào năm 1893, cách nay mới 116 năm. Kể từ đó, Đà Lạt được nhà cầm quyền cai trị người Pháp chọn làm nơi nghỉ mát, du lịch và hưởng tuần trăng mật của người Pháp và của những người Việt có quốc tịch Pháp. Và, cũng kể từ đó, Đà Lạt được dành ưu tiên cho những người Pháp tới tạm trú hay định cư, xây nhà theo kiểu Pháp, xây trường học dạy chương trình của “mẫu quốc”. Chính vì vậy mà người ta gọi Đà Lạt là một “Thành phố Paris ở Phương Đông”.

Một góc vòng xoay trung tâm Đà Lạt vào năm 1969.


Dù cho đa số người cư ngụ ở Đà Lạt thời đó là người Pháp hay mang quốc tịch Pháp, dù cho chương trình giáo khoa ở Đà Lạt là chương trình của “mẫu quốc” và dù cho các ngôi nhà thời đó là biệt thự sang trọng của người Pháp thì ba hiện tượng nói trên không đủ để chứng minh rằng Đà Lạt là thành phố của người Pháp hay mang dấu ấn của một thành phố bên Pháp quốc. Trên thực tế, Đà Lạt chỉ bị ảnh hưởng quá sâu xa bởi văn hóa Pháp mà thôi.

Người viết bài này không sinh trưởng ở Đà Lạt nhưng đã ở Đà Lạt năm năm từ 1952-1957 trong ngành giáo dục, lại cũng đã về thăm Đà Lạt hai lần trong mấy năm qua. Người viết có thể quả quyết rằng: Đà Lạt là lãnh thổ của người Việt Nam, về thiên nhiên, về rừng núi, về sắc tộc, về phong tục tập quán, về huyền thoại và cả về tôn giáo nữa.

Tình sử Hồ Than Thở

Đà Lạt có nhiều địa danh thơ mộng và huyền bí dễ thu hút lòng người, nhất là những người đi tìm sự yên lặng trong lòng để thả hồn về quá khứ hay về tương lai... Một trong các địa danh hấp dẫn, đầy thơ mộng và huyền bí nói trên đó chính là Hồ Than Thở mà người Pháp gọi là Lac des Soupirs.

Một góc khu du lịch hồ Than Thở.

Soupirs tiếng Pháp có nghĩa là tiếng thở dài. Gọi như vậy vì rừng thông chung quanh theo gió thổi, tạo thành những âm thanh rên rỉ hay tiếng thở dài của những người đau khổ hay thất tình...

Tên hồ Than Thở đã có từ lâu nhưng tình sử đau thương xảy ra gần hồ này mới có từ năm 1956, khi ấy người viết đang còn ở Đà Lạt. Nếu người viết nhớ không lầm thì cô giáo Lê Thị Thảo, người tình trong truyện, ở gần nhà người viết thuê trên đường Lò Gạch, cách chợ Đà Lạt không xa.

Theo sách “Đà Lạt, Danh Thắng và Huyền Thoại” và cũng theo nhiều người sinh trưởng ở Đà Lạt kể lại cho nghe thì hồ Than Thở mang một tình sử bi đát và thơ mộng như sau:

Tâm, một thanh niên gốc Vĩnh Long, sinh viên trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, đem lòng thương một thiếu nữ người địa phương, lúc đó là cô giáo tên Lê Thị Thảo. Mỗi ngày từ bãi tập về, Tâm thường ghé qua một ngôi nhà cạnh hồ Than Thở và đặt một lá thư tỏ tình dưới mái nhà tranh. Ngôi nhà này không phải là nơi cư ngụ của cô giáo Thảo, mà có khi chỉ là nơi dùng làm hộp thư bí mật của hai người yêu nhau mà thôi.

Buổi chiều đi dạy về, cô Thảo thường đến hộp thư bên hồ để đọc thư chàng gửi, và cũng để gửi thư cho chàng, đặt nó vào hộp thư bí mật.

Rồi một buổi chiều, trong tiếng thông reo vi vút và cạnh hồ nước sóng gợn lăn tăn, Tâm và Thảo đã cùng nhau hứa hẹn nên duyên vợ chồng, chờ ngày chàng ra trường mới làm lễ cưới.

Gia đình Tâm biết được chuyện tình lãng mạn của hai người trẻ nên tỏ vẻ ngăn cấm. Tâm tốt nghiệp trường Võ Bị, đeo lon Thiếu Úy và được gửi ra chiến trường chiến đấu. Thảo vẫn ở Đà Lạt, ngày ngày đi dạy học, nhưng buổi chiều không còn tới ngôi nhà nhỏ gần hồ, mong nhận được thư Tâm dưới mái tranh nghèo. Tâm đã đi rồi và Thảo ở lại một mình, ngày đêm trông chờ. Mối tình của nàng và Tâm chẳng khác nào như hai ngọn núi Langbiang, trông rất gần mà xa...

Đồi thông hai mộ tại khu du lịch hồ Than Thở.

Bỗng nàng nhận được tin sét đánh là Tâm đã tử trận ở chiến trường xa, xác không biết bây giờ ở đâu, và nàng có được đến nơi nhận xác chàng hay không vì gia đình Tâm chưa công nhận Thảo là con dâu tương lai. Thảo chỉ còn một niềm an ủi độc nhất là ra hồ Than Thở, chỗ hai người thường gặp nhau, để nhớ lại những giờ phút tình tự bên nhau. Rồi vào một buổi chiều buồn, khi hoàng hôn phủ mờ cảnh vật chung quanh, nàng đã gieo mình xuống hồ nước để giữ trọn tiết trinh với người yêu bên kia thế giới.

Xông pha ngoài chiến trường, Tâm không hề biết tin người yêu đã tự vận vì nàng tưởng chàng đã anh dũng đền nợ nước, làm tròn nghĩa vụ “trai thời loạn”.

Chuyện sống chết trên chiến trường thường hay bị loan tin lầm lẫn, sống rồi chết đó, cũng như chết rồi sống lại. Bởi vậy mới có việc Tâm vẫn còn sống, chàng trở về Đà Lạt thăm người yêu như thường lệ thì hay tin nàng đã tự vẫn vì tưởng chàng đã ra người thiên cổ.

Chàng ra mộ nàng gần hồ Than Thở, than khóc một hồi lâu rồi lại trở về chiến trường, tiếp tục xông pha ngoài mặt trận. Trong một cuộc tử chiến với quân thù đông gấp 10 lần, chàng đã tử trận một cách oanh liệt. Theo lời trăn trối của chàng khi hấp hối, xác Tâm được đem về Đà Lạt để chôn bên cạnh người yêu chưa cưới. Ít lâu sau, gia đình Tâm, vốn không đồng ý với mối tình trẻ dại mong manh này, cải táng mộ chàng đem về chôn ở quê nhà là Vĩnh Long. Từ ngày đó, cô giáo Lê Thị Thảo nằm một mình gần hồ Than Thở, trong nấm mồ có ghi tên cô, ngày đêm nghe gió thổi vi vu trong rừng thông vắng... (Xin xem hình)

Hiện nay, ngay gần phần mộ của cô giáo Lê Thị Thảo, du khách còn thấy ngôi miếu nhỏ đặt bài vị thờ và tấm bia mộ ghi ngày mất của cô: 15 tháng 3 năm 1956.

Bên trong ngôi miếu nhỏ, đã bị ngày tháng phủ mờ rêu xanh, có khắc bài thơ của một người vô danh, khóc thương mối tình buồn:

“Nước biếc non xanh dù biến đổi
Mối tình chung thủy Thảo trong Tâm.
Chiều chưa xuống mà nắng vàng vội tắt
Đêm chưa về mà cỏ đã dầm sương.
Cả núi rừng ngấn lệ tràn tiếc thương.
Cho mối tình ngang trái của
Đôi uyên ương không thành...”


Hồ Xuân Hương

Ai ở Đà Lạt hay tới thăm Đà Lạt đều phải nhận rằng linh hồn của thành phố Đà Lạt không phải là những khách sạn sang trọng xây chung quanh hồ, trong đó có khách sạn Dalat Palace, xây từ năm 1922. Cũng không phải là những ngôi biệt thự nằm ẩn hiện trong rừng thông già hay ngôi trường Lycée Yersin quen thuộc với ngọn tháp cao đứng từ xa cũng trông thấy. Không, linh hồn của Đà Lạt không ở những kiến trúc do bàn tay con người tạo dựng. Cũng như linh hồn của đất Thăng Long Ngàn Năm Văn Vật không phải là Lăng Ba Đình, không phải là chùa Trấn Quốc hay con đường Cổ Ngư - nay mang tên là đường Thanh Niên. Linh hồn của Thăng Long là hồ Hoàn Kiếm, nơi có cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn.

Một góc hồ Xuân Hương năm 1968

Vì thế, các lễ hội quan trọng của Thăng Long đều diễn ra chung quanh bờ hồ lịch sử. Thậm chí đến cả cô dâu chú rể, sau khi làm lễ thành hôn, cũng thường ngồi chung xe đi một vòng hồ, như cầu mong Thần Rùa chúc phúc lành...

Vậy linh hồn của Đà Lạt chính là hồ mang tên nữ sĩ Hồ Xuân Hương, người đã sáng tác những vần thơ oái oăm, khêu gợi, nửa kín nửa hở, in sâu vào tâm hồn mọi người Việt Nam chúng ta, chẳng khác nào những câu tục ngữ ca dao, hay chẳng khác nào câu truyện Kim Vân Kiều hồng nhan bạc mệnh...

Hồ Xuân Hương ở vị trí trung tâm thành phố, tựa hồ như hồ Hoàn Kiếm vậy. Hồ có hình dáng thơ mộng của mặt trăng lưỡi liềm, nước không trong như nước sông Hương nhưng lúc nào cũng lăn tăn gợn sóng, như những cành cây thông hay cây tùng trồng chung quanh hồ.

Hồ Xuân Hương không rộng bằng hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Tây ở Hà Nội, hồ này chỉ có diện tích 5 cây số vuông và có đường chu vi dài trên 6 cây số, có thể đi xe đạp hay xe ngựa chung quanh một cách dễ dàng thoải mái.

Theo người địa phương kể lại thì ngày trước Hồ Xuân Hương chỉ là một dòng suối nhỏ có các tộc người cư trú, như tộc Chink, Lachr hay K’ho.

Dưới thời Pháp thuộc, một đập được xây chắn ngang dòng sông Cam Ly, tạo thành một cái hồ nhỏ mà người Pháp gọi là Petit Lac. Rồi vào năm 1923, một chiếc đập nữa được xây ở phía dưới dòng sông, tạo thành một cái hồ lớn hơn mà người Pháp gọi là Grand Lac.

Nhưng vào năm 1932, một cơn bão lớn càn quét thành phố và những vùng chung quanh làm hai đập này bị vỡ, nước hai hồ chảy lênh láng vào nhiều nơi trong thành phố.

Cho tới năm 1935, một kỹ sư người Việt là Trần Đăng Khoa đã xây một chiếc đập đá lớn và vững chắc mà người địa phương gọi là Cầu Ông Đạo. (Gọi là Cầu Ông Đạo vì vào trước năm 1945, thành phố Đà Lạt được đặt dưới quyền cai quản của một đạo quân binh, tương đương với tỉnh trưởng ngày nay, tên là Phạm Khắc Hòe. Còn gọi là cầu vì cái đập đá này trông tựa như một cây cầu thì người dân quen miệng mà gọi như vậy!

Tất cả hoạt động có tính cách công cộng của thành phố đều diễn ra chung quanh hồ như Lễ Hội Hoa, đua xe đạp, đua ngựa hay chạy bộ.

Ngay trên bờ hồ, từ khách sạn 5 sao Đà Lạt Palace nhìn xuống, người ta thấy có nhà Thủy Tạ, nơi có bán rượu và cà phê rất ngon, người viết đã ngồi đây để ngắm cảnh hồ vào những buổi chiều hoàng hôn, khi về thăm Đà Lạt vào những năm 2007 và 2008.
Một góc hồ Xuân Hương ngày nay.

Người viết không còn trẻ để vợ chồng dung dăng dung dẻ chung quanh hồ mà chỉ ngồi trong nhà Thủy Tạ sơn màu trắng ngắm những cặp vợ chồng hay tình nhân trẻ, ôm lưng nhau hay tay trong tay đứng bên hồ nước, để thả hồn về ngọn núi Langbiang mang một tình sử có một không hai ở vùng Cao Nguyên thơ mộng này.

Thành phố Đà Lạt có ba cái không: một là không có cảnh sát, hai là không có đèn đường, và ba là không có máy lạnh. Vì sống quá lâu ở Hoa Kỳ, nên các cháu nhỏ của người viết chịu nóng không quen, nên ban đêm phải mở cửa sổ để ngủ, vì không khí trong phòng ngủ khách sạn quá nóng đối với chúng.

Ngoài ra, đối với du khách, Đà Lạt để lại trong giác quan của họ những ấn tượng sâu xa như sau, càng đi xa lại càng nhớ nhung da diết...

Về thị giác, ai tới thăm Đà Lạt sẽ không bao giờ quên được vẻ thơ mộng của ngọn núi Langbiang, của ngàn thông cao và của những ngôi biệt thự ẩn hiện dưới thung lũng sương mờ.

Về thính giác, ai tới Đà Lạt sẽ không bao giờ quên được âm thanh buồn man mác của những rừng thông gió thổi, của những thác nước đổ ào ào xuống mặt đá, hay tiếng vó ngựa chạy chung quanh hồ Xuân Hương để chở du khách kiếm tiền.

Về khứu giác, ai tới Đà Lạt sẽ không bao giờ quên được mùi hoa mai, hoa đào và hoa mimosa. Nếu khi vào chùa, người ta bị mùi khói nhang làm cho đê mê trầm mặc, tưởng mình như lạc vào nơi bồng lai tiên cảnh thì du khách càng xa Đà Lạt càng thấy nhớ mùi thơm của các loài hoa Đà Lạt, như một hương vị quyến rũ mê ly, để ru người vào cõi mộng...




Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social