Đồi thông hai mộ ở Đà Lạt là một thắng cảnh nổi tiếng với một câu chuyện tình buồn bên hồ Than Thở. Ngoài một câu chuyện tình buồn về tình yêu, nơi tọa lạc hai ngôi mộ này cũng được rất nhiều du khách viếng thăm như một điểm tri giao của tình yêu bất tử.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Đồi Thông hai mộ, một câu chuyện tình yêu vĩnh cữu được lưu truyền bên hồ Than Thở cho đến ngày nay, câu chuyện kể rằng trong thời loạn những năm 1950 có chàng trai tên Vũ Minh Tâm con của một điền chủ giàu có ở thị xã Gò Công, Tiền Giang đến Đà Lạt học sĩ quan tại trường Võ Bị Quốc Gia, chàng đã yêu một cô gái tên Lê Thị Thảo, nàng năm ấy chỉ vừa mới 16 tuổi, tâm hồn ngây thơ trong trắng. Hai nguời gặp nhau tâm đầu ý hợp, cùng nhau thề non hẹn biển, yêu nhau tha thiết. Sau một thời gian học tại trường Võ Bị Quốc Gia, chàng tốt nghiệp về quê xin phép cha mẹ mang trầu cau hỏi cưới nàng. Nhưng buồn thay gia đình chàng đã phản đối kịch liệt vì vấn đề muôn đăng hộ đối, gia đình Tâm là một điền chủ giàu có còn nàng Thảo chỉ là một cô gái chân quê nơi phố núi sương mù Đà Lạt. Sợ con trai suy nghĩ nhiều và bỏ trốn cha mẹ đã bắt chàng cưới một cô gái khác, cô gái hoàn toàn xa lạ với chàng và giữa hai người không có tình yêu. Tâm buồn rầu rồi chàng đã viết đơn xin chuyển ra tiền tuyến để vùi mình trong khói lửa, tìm quên đi nổi đau. Nhưng rồi một hôm nàng bất ngờ nhận tin báo tử của chàng từ chiến trường. Đau đớn tột cùng:
Rồi nàng tìm đến khu rừng thông bên cạnh hồ Sương Mai, nơi khi xưa hai người từng hò hẹn, nàng tự vẫn chết vào ngày 15/3/1956. Trước khi mất nàng đã để lại di chúc mong muốn mộ phần được chôn cất bên đồi thông cạnh hồ Sương Mai để được lưu lại những kỷ niệm đẹp nhất của mình và Tâm. Nhưng ông trời đã chua sót chia cắt đôi tình nhân khi tin báo tử của Tâm chỉ là nhầm, chàng đã không tử trận mà đang quay về thăm nàng. Nghe tin nàng chết, chàng tìm đến mộ phần khóc than trong tuyệt vọng chua sót, sau đó chàng cũng tự vẫn chết theo để giữa trọn lời thề ước năm xưa. Trước khi chết chàng cũng để lại lời nhắn mong sẽ được yên nghỉ bên cạnh mộ nàng, để hai người vĩnh viễn được sống bên nhau.
Thuận theo di nguyện, sau khi chàng mất mộ phần của chàng được chôn bên cạnh mộ của nàng, người ta vẫn gọi hai ngôi mộ ấy là đồi thông hai mộ như tượng đài của tình yêu bất tử. Hồ sương Mai năm nào giờ đây trở nên tịch liêu và yên ả lạ thường, hồ nước ấy sau này cũng được người dân nơi đây đổi tên thành hồ Than Thở như muốn gợi nhớ với du khách về một chuyện tình buồn nơi đây.
Sau năm 1975, do tuổi già sức yếu không thể di chuyển đến Đà Lạt thăm con thường xuyên nên cha mẹ chàng Tâm đã cho bộc mộ anh đưa về quê Tiền Giang để tiện cho việc thờ cúng. Dù hài cốt đã được di dời nhưng người dân nơi đây vẫn thương cảm cho mối tình bạc mệnh, họ đã đắp lại một ngôi mộ khác bên cạnh nàng. Sau này Đồi Thông Hai Mộ được tôn tạo khang trang hơn và trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn như hiện nay.
Cảm động trước một mối tình son sắc bất tử của hai người, nhạc sĩ Hồng Vân đã sáng tác nên ca khúc Đồi Thông Hai Mộ như một câu chuyện minh chứng cho cuộc tình buồn của đôi lứa. Ca khúc được nhiều ca sĩ thể hiện thành công như Hương Lan, Trường Vũ, Lệ Quyên...