Nằm ở Khu du lịch sinh thái Na Hang (Tuyên Quang), núi Pắc Tạ gắn liền với truyền thuyết loài voi rừng bị khuất phục bởi hương vị êm nồng của rượu ngô và tài trí người dân xứ này.
Thủy điện Tuyên Quang đã biến một phần của sông Gâm và sông Năng thành lòng hồ mênh mông. Ở đó, thứ nước màu lục sóng sánh, trong vắt, soi bóng núi non kỳ vĩ. Con thuyền chở du khách thanh thản trôi giữa lòng hồ, không gian lặng thing yên ả. Thi thoảng sẽ xuất hiện những vách đá vôi sừng sững đâm lên từ giữa hồ, hay tán cây thay lá, xuyên qua những kẽ là ánh nắng mặt trời hắt những tia nắng mong manh như lụa. Vây lấy lòng hồ là 99 ngọn núi thiêng sừng sững, mây vờn bốn bề, trong đó núi Pắc Tạ là cao nhất.
Trong tiếng Tày, núi Pắc Tạ có nghĩa là “vú của trời”, hay còn có tên gọi khác là núi Xa Tạ, Núi Voi. Đây là ngọn núi cao nhất huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, có dáng hình chú voi đứng bên nậm rượu. Sừng sững, uy nghiêm, thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây vờn bên hồ thủy điện Tuyên Quang.
THEO DẤU TRUYỀN THUYẾT
Tương truyền, xưa kia nơi đây là khu rừng rậm có rất nhiều loại động vật quý hiếm, trong đó có hàng trăm con voi sống thành bầy đàn. Voi to và khỏe nên nhân dân trong vùng thuần dưỡng chúng làm sức kéo chuyên trở hàng hóa và làm phương tiện đi lại. Năm ấy, vùng đất Na Hang có giặc ngoại xâm, nhân dân trong vùng đã tập trung tất cả binh lực dồn cho cuộc chiến, trong đó có cả những đàn voi ra trận. Thế nhưng, trong đàn có một con voi đực hết sức hung dữ, không ai có thể thuần phục được, bao nhiêu tướng lĩnh giỏi cũng phải lắc đầu bó tay. Một người quản tượng ở xa tới xin đảm nhiệm công việc này.
Ngày đầu, ông cho dân bản chặn tất cả dòng suối xung quanh vùng voi sinh sống, vài ba ngày sau voi khát không có nước uống, ông cho đổ rượu vào các hốc đá, voi lần đến đấy uống để thay nước. Năm ngày, mười ngày lâu dần voi thành quen với rượu và người quản tượng. Ông có thể đặt bành lên lưng voi và điều khiển theo mệnh lệnh- từ đó dân bản đặt tên là “voi rượu”. Ngày xuất trận, “voi rượu“ hùng dũng đi đầu xông trận dày xéo quân giặc chết như ngả rạ. Thắng trận, nhà vua phong cho “voi rượu” là voi quận công và mở tiệc linh đình thiết đãi các tướng sĩ. “Voi rượu” thỏa sức, uống hết nậm rượu này đến nâm rượu khác, cho đến khi say quá và tắt thở chết. Lạ thay, voi chết mà vẫn đứng sừng sững oai phong như lúc xung trận. Đêm đó, trời đổ mưa to, sấm chớp, gió rít ào ào như sự tiếc thương của dân bản dành cho “voi rượu”. Sáng ra mọi người ngỡ ngàng thấy cả voi và nậm rượu hóa đá như núi Pắc Tạ bây giờ.
ĐỀN CỔ DƯỚI CHÂN NÚI
Nằm dưới chân núi Pắc Tạ có dấu tích của một ngôi đền cổ. Tương truyền, vào đời Trần có người thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật theo chồng đi kinh lý vùng sông Gâm và sông Năng. Trên đường về, thuyền chở người thiếp bị gặp nạn. Do nước quá sâu, lại chảy xiết nên không thể cứu vớt được nàng. Cho đến mấy ngày sau, xác của nàng mới tìm thấy và được mai táng bên bờ sông Năng dưới chân núi Pắc Tạ. Ngôi đền thờ người thiếp được dựng ngay gần nơi chôn cất để tưởng nhớ người thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật.
Đền Pắc Tạ nằm ở địa thế cao, bằng phẳng dưới chân núi Pắc Tạ. Cửa đền quay về hướng nam, trông ra dòng sông Gâm theo thuyết phong thủy “Tiên minh đường hữu hậu chẩn” ở thế đất địa linh “sơn kỳ thủy tú”.
Du lịch Tuyên Quang, núi Pắc Tạ và đền Pắc Tạ đều là điểm đến hấp dẫn mà du khách không nên bỏ qua.