Chiếc ô tô bảy chỗ xuất phát từ Sài Gòn khi trời còn lờ mờ nhưng nhờ hệ thống đường cao tốc nên chỉ chưa đầy hai tiếng sau là đã đến địa phận tỉnh Bến Tre. Dừng nghỉ giây lát và cùng nhâm nhi ly cà phê sớm bên kia cầu Rạch Miễu, anh bạn tôi cứ tấm tắc: “Ngày xưa mỗi khi về Bến Tre phải mất toi nửa ngày, hết con đường hẹp nhọc nhằn ổ gà đến cảnh chầu chực đợi phà đến phát chán chứ không sướng rơn như bây giờ”. Đó cũng là một trong những lý do để mấy ngày cuối tuần con đường lên xuống miền Tây luôn tấp nập.
Hoài niệm ký ức tuổi thơ
Hình ảnh tuổi thơ thân thuộc của một thời ký ức
Mới 9 giờ sáng mà trời đã nắng gắt, chỉ có điều nhờ gần sông nước, cây cối nhiều nên cảm giác dễ chịu chứ không bức bí như ở Sài Gòn. Về đến nhà anh bạn cũng chưa đến 10 giờ, cả đám vừa xếp gọn xong đống hành lý thì đã nhận ngay lời đề nghị từ “chủ xị”: “Thuê thuyền máy đi cồn tát cá nhậu chơi nha mọi người?”. Chà, tự nhiên lại nhắc nhớ đến cái trò mà ai trải qua tuổi thơ ở vùng quê nông thôn ra đồng bắt cá là để kiếm cái ăn chứ không hẳn là một thú chơi. Cơ cực, lam lũ nhưng đó là những ký ức đẹp, dệt nên bao hoài bão để có được thành công như ngày nay.
Du khách tây thích thú với trò tác mương bắt cá.
Anh bạn “thổ địa” còn cho biết phong trào tát cá đang là thú chơi hấp dẫn thu hút không chỉ thanh niên trong vùng mà còn nhiều du khách ở các nơi khác, có cả khách nước ngoài thông qua các tour du lịch. Cuối tuần anh em cởi trần vào các đoạn lạch ngắn tát nước, bắt cá nhậu chơi rất thú vị.
Sau 30 phút, chiếc thuyền máy tấp vào một cồn đất, nơi có mấy xuồng nhỏ đang đợi sẵn trong đám dừa nước để đón khách, chúng tôi chọn một chiếc be bé có cô chèo xuồng mặc chiếc bà tím duyên dáng rồi ngược nước đi vào con lạch hẹp hơn. Nhìn những ánh mắt tò mò như muốn hỏi “Vì sao cứ phải vất vả cho thuyền đi vào dòng nước chảy ngược mà không chờ nước lớn đi cho khỏe?”. Anh bạn tôi cắt nghĩa: “Khi nước chảy ngược thì nghĩa là nước trong các hồ nuôi cá đang rút ra, như thế mọi người mới có thể tát cạn lạch và bắt được cá”. Hóa ra, cách đổi thuyền từ lớn đến nhỏ và thời gian bao lâu là dựa theo con nước thủy triều.
Sau gần một giờ len lỏi trên các con lạch phủ kín dừa nước, chúng tôi cũng đến được một nhà vườn. Vì thủy triều vẫn còn cao, nước nhiều nên chúng tôi dành thời gian đi dạo quanh cồn. Xung quanh xanh ngắt một màu cây ăn trái trù phú, gió thổi mát rượi phảng phất mùi phù sa. Nhà vườn này coi bộ thưa vắng vì dường như chỉ có mỗi đám chúng tôi. Anh bạn tủm tỉm: “Hôm nay không phải thứ bảy, với lại phải đến những nhà vườn thế này mới có thể thỏa thích tát cá còn những nơi đã nổi tiếng, có sự hợp tác của các công ty du lịch thường khách đến rất đông…” À, ra thế.
Rồi cũng đến lúc thủy triều xuống mức thấp nhất và được sự hỗ trợ của một máy bơm nước cũng đã cạn dần, lớp bùn cũng bắt đầu lộ ra. Những con lạch nơi bắt cá chỉ dài khoảng 20m, bề ngang khoảng hơn 1m. Chúng tôi không ai bảo ai, thi nhau nhảy xuống, quậy tưng, bùn bắn tung tóe nhưng khoái chí vô cùng.
Hấp dẫn với món đặc sản miệt vườn cá lóc nướng
Món cá lóc nướng
Quậy một hồi nhưng chỉ bắt được vài ba con rô, anh bạn trấn an: “Lạch có cá đấy nhưng vì là dân “không chuyên” nên khó bắt. Nhưng thế còn hơn ở một số nơi làm dịch vụ toàn bắt cá thả vào nên cảm giác không được khoái lắm…”. Ừ, đúng như thế thật. A…ha… bắt được một con lóc to rồi nè! – cậu bạn nhí nhất trong đám la lên khoái trá… Càng về sau, lớp bùn như được xới tưng lên, dẻo quẹo, sùi cả bong bóng nên chúng tôi cũng bắt được kha đều cảm thấy “thèm thuồng”. Ngày xưa khá cá rô và cá lóc Cô gái phục vụ trong nhà vườn ra lấy cá để làm bữa trưa nhưng chúng tôi dường như chẳng ai muốn dừng lại để lên bờ…
Bữa cơm được chủ vườn dọn ra ngay dưới gốc nhãn, cách nơi vừa bắt cá không xa và được giới thiệu là các món cá mà cả nhóm vừa bắt lúc nãy. Không biết có thật không nhưng quả là ngon không thể tả bởi cảm giác do chính tay mình thu hoạch. Và cũng chính vì cả đám sau một hồi vật lộn với bùn nước, đói hoa cả mắt nên bữa ăn cứ như là ngon nhất quả đất. Ông chủ vườn còn mang ra chai rượu gạo để anh em lai rai, mồi nhắm chỉ đơn giản với cá lóc nướng trui, cá rô chiên xù… dùng kèm với mấy đọt rau vườn luộc vậy mà sao ngon lành quá đỗi. Cả nhóm cứ luôn miệng tấm tắc mãi!
Nhóm du khách nước ngoài thưởng thức nước dừa miền nhiệt đới.
Thăm Vàm Hồ và thưởng thức hoa trái nhà vườn
Chúng tôi lưu lại Bến Tre thêm một ngày nữa để anh bạn giới thiệu những nét đặc sắc khác ở quê mình. Điểm dừng chân đầu tiên của ngày thứ hai là Sân chim Vàm Hồ, ở huyện Ba Tri, nơi hội tụ sinh sống của khoảng 500.000 con chim các loại.
Mặc dù chỉ rộng hơn 43ha với sáu chòi canh lửa, nhưng nếu có thời gian ở lại nơi này, bạn sẽ thấy vẻ đẹp của rừng biến đổi theo từng thời khắc. Phong cảnh thiên nhiên ở sân chim đẹp đến lạ lùng, ở các bụi cây rậm gần thường gặp cuốc ngực trắng, chích chòe, bìm bịp, chèo bẻo, cúm núm… Thú hoang có chồn đèn, chồn cáo… Loài bò sát có hổ, trăn, kỳ đà, rùa…
Đôi cò trong sân chim Vàm Hồ.
Mỗi khi có tiếng răng rắc phát ra do bước chân của chúng tôi dẫm lên cành cây khô, từng đàn chim lại vỗ cánh bay vù lên không trung kèm theo những tiếng kêu chíu chít, tạo ra cảnh tượng hỗn độn kỳ thú lạ thường. Với tất cả những điều độc đáo đó, Vàm Hồ quả là địa chỉ du lịch không thể bỏ qua khi đến xứ dừa.
Vườn Chôm chôm đang vào mùa đỏ rực cà khoảng vườn.
Vì đang vào mùa trái cây nên anh bạn còn đưa chúng tôi đến nhà vườn Tân Phú ở huyện Châu Thành để mua một ít hoa quả về làm quà. Khu vườn rộng với đủ loại cây trái, chủ vườn cứ để mặc chúng tôi hái và thưởng thức thỏa thuê vì đã được “bao bụng”. Trước khi ra về, chúng tôi còn kịp lót dạ món cháo gà ta thả vườn ngon tuyệt, đặc sản miền quê Bến Tre.