Về Đồng Nai ghé thăm miền sơn cước Mã Đà

Rừng Mã Đà thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai nằm cách TP. Hồ Chí Minh 90km không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử mà còn hấp dẫn du khách bởi rừng nguyên sinh bạt ngàn và hồ Trị An với nhiều sản vật độc đáo.

Rừng Mã Đà thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai nằm cách TP. Hồ Chí Minh 90km không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử mà còn hấp dẫn du khách bởi rừng nguyên sinh bạt ngàn và hồ Trị An với nhiều sản vật độc đáo.

Khám phá thiên nhiên hoang sơ, đốt lửa trại, tận hưởng nồi lẩu rau rừng hay buổi hạ trại ven bờ hồ lộng gió… là những hoạt động đặc trưng thu hút du khách về với miền sơn cước Mã Đà.

Khởi hành từ buổi sáng sớm, men theo quốc lộ 1, đoàn chúng tôi rẽ trái ở ngã ba Trị An sang tỉnh lộ 767 đi Vĩnh Cửu. Đây là cung đường tuyệt đẹp dành cho những ai thích đi phượt bằng xe máy vì đường vắng, khá quanh co, đồi dốc… Một bên là sông Đồng Nai lộng gió mát, khung cảnh hữu tình, một bên là những cánh đồng xanh mướt và những ngọn đồi nhấp nhô. Cứ thế, bóng dáng nhà dân cứ xa dần.

Đến chốt kiểm lâm, chúng tôi đi vào cung đường xuyên rừng khó nhất để đến với rừng Mã Đà. Dù chỉ dài khoảng 10km, đây là đoạn đường thách thức kể cả những tay lái nhiều kinh nghiệm.

Con đường đỏ rực màu đặc trưng của đất đỏ miền Đông khá trơn trượt sau cơn mưa rừng tối qua. Vài đoạn, những vũng lầy đọng nước đỏ ngầu tung tóe khi đoàn xe chạy qua. Chúng tôi đi chậm, vừa đủ để ngắm rừng cây xanh và những bụi lồ ô khổng lồ ven đường, lâu lâu, xe phải dừng lại để dọn những chà tre khô chắn ngang. Đường vắng, cả đoàn thong dong nhưng đến nơi đã gần trưa.

Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai đón cả nhóm trong màu xanh ngút tầm mắt. Những cây cổ thụ mấy người ôm cùng dây leo chằng chịt thu hút mọi người chụp hình không ngơi tay.

Rộng hơn 100 ngàn hécta với hơn 67 ngàn hécta đất rừng, 32 ngàn hécta mặt nước (hồ Trị An), khu bảo tồn này là nơi du khách có thể khám phá thiên nhiên hoang sơ của rừng Mã Đà và thăm thú các điểm di tích lịch sử như Trung tâm Sinh thái Văn hóa Lịch sử Chiến khu Đ, di tích căn cứ Khu ủy miền Đông…

Theo chân cán bộ kiểm lâm, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá rừng. Trời lúc này là giữa trưa nắng, thế nhưng cảm giác đi bộ giữa rừng thật mát mẻ và thơ mộng.

Rừng Mã Đà nổi tiếng là nơi cư trú của nhiều động vật hoang dã. Đoàn chúng tôi bắt gặp một đàn bướm vàng bay lượn trong không trung. Lâu lâu, mấy con sóc nhỏ tíu tít gọi nhau trên những tán cây.

Đâu đó trong không gian xanh là tiếng hót lảnh lót của hàng chục loại chim trời, có con dạn dĩ xuống tận nơi đoàn đang dừng chân.

Càng đi, màu xanh của rừng càng khiến chúng tôi choáng ngợp. Không biết cơ man nào nhưng cây gõ đỏ, dầu, bằng lăng cao vút, bệ vệ giữa không trung. Đặc biệt nhất có lẽ là cây trung quân, loại cây có lá không bao giờ bị đốt cháy. Trên đường đi, mọi người còn hái được một số rau rừng như tàu bay, bìm bịp, chùm bao, chùm ngây, khổ qua rừng, bình bát…

Tại rừng Mã Đà, người ta có thể thưởng thức được hơn 40 loại rau rừng các loại, trong đó rau bìm bịp không chỉ ngon, ăn kèm các món lẩu mà còn được xem là một vị thuốc quý theo dân gian, có tác dụng chữa bệnh gút, giảm đau, hạ sốt, chống viêm.

Tên rau bìm bịp có lẽ bắt nguồn từ câu chuyện kể về chim mẹ hái lá bìm bịp nhai nhỏ đắp lên vết thương cho những chú chim non.

Đến với rừng Mã Đà, chúng tôi không thể bỏ qua những món đặc sản làm nên thương hiệu của khu bảo tồn này như tép um rau rừng, khô cá kìm bóp gỏi xoài, cá lăng nướng ăn kèm các loại rau rừng…

Đặc biệt nhất phải kể đến là món lẩu măng chua cá lăng – rau bìm bịp. Để chế biến món này, cá lăng vừa bắt trên hồ Trị An phải còn sống, bìm bịp phải là rau ngọn non vừa mới hái còn xanh um, khi ăn chỉ cần trụng qua nước đang sôi.

Dù được chế biến đơn giản, lẩu vẫn rất hấp dẫn du khách bởi thịt cá lăng tự nhiên săn chắc, ngọt thơm. Buổi tối, cả đoàn quây quần bên đống lửa trại tí tách, thưởng thức nổi lẩu cá lăng rau bìm bịp thơm lừng cùng với những món ăn đặc sản từ các loại rau rừng mà thấy ấm lòng.

Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi dành trọn thời gian thưởng ngoạn bình minh trên hồ Trị An. Ngoài khung cảnh nên thơ, tĩnh lặng, hồ Trị An là nơi du khách có thể trải nghiệm cảm giác trở thành ngư phủ khi được cùng ngư dân câu cá, thả lưới bắt tép, đánh cá trên hồ… Với dân thành phố, một bữa giăng lưới bắt tép nhẹ nhàng của ngư phủ cũng khiến cả đoàn mệt nhoài.

Bữa cơm trưa trên bè cá vì thế thật rôm rả và ngon miệng. Thú vị nhất có lẽ là việc thưởng thức những món ăn được chế biến từ cá cơm, cá lăng, cá lóc, cá hoàng đế… do chính tay mình đánh bắt.

Thời gian đẹp nhất để tham quan Khu bảo tồn và rừng Mã Đà thường từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau. Đây là khoảng thời gian không khí mát mẻ, khô ráo để du khách khám phá trọn vẹn những địa điểm thú vị tại đây. Đêm sẽ hơi lạnh nhưng bếp lửa luôn ấm và những câu chuyện, những món ngon ở rừng sẽ luôn độc đáo và hấp dẫn.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social