Mỗi năm khi mùa khô đến cũng là thời điểm khách du lịch khắp nơi kéo đến đến bờ hồ để ngắm nhìn ngôi làng cổ La Mã Vilarinho da Furna nổi lên từ dưới mặt nước.
Vilarinho da Furna, thuộc thành phố Terras de Bouro, quận Braga, miền bắc Bồ Đào Nha, là một ngôi làng cổ đã bị xóa khỏi bản đồ vào năm 1972 do việc xây dựng một con đập gần đó. Khi một hồ chứa trên sông Homem được đổ đầy cũng là lúc ngôi làng Vilarinho da Furna bị nhấn chìm dưới mặt nước. Đôi khi, khi nước của hồ chứa hạ xuống, những ngôi nhà ảm đạm của ngôi làng lại có cơ hội nhô lên lộ diện.
Cái kết của ngôi làng Vilarinho da Furna đến thật đột ngột, cũng như bao câu chuyện khác: Một tập đoàn lớn muốn có đất để tiến hành một dự án lớn, tập đoàn này đã tìm cách để trục xuất từng gia đình ra khỏi nơi họ đang sinh sống và phá hủy nhà cửa của người dân. Đó chính là là Công ty Điện lực Bồ Đào Nha và dự án lớn đập thủy điện công suất 125MW.
Hàng chục thị trấn và làng mạc trên khắp thế giới đã phải chịu số phận tương tự trong tay các công ty điện lực. Nhưng Vilarinho da Furna không chỉ là một làng mạc bình thường, đó là một ngôi làng 2.000 năm tuổi được xây dựng trong thời La Mã. Mặc dù không có nhiều thông tin về lịch sử ban đầu của ngôi làng, song vẫn còn một vài tàn tích từ xa xưa. Đáng chú ý nhất là ba cây cầu Roman.
Vào thời điểm làng bị ngập, Vilarinho da Furna có 300 cư dân. Họ nuôi gà, bò, lợn, cừu và dê và có những đồng cỏ trên đỉnh đồi cùng đất canh tác khá thưa thớt, các ngôi nhà đều được xây dựng gần nhau.
Làng được sơ tán từ tháng 9 năm 1969, và người cuối cùng di dời vào năm 1971. Công ty điện lực trả rất ít tiền bồi thường cho những người dân sống ở đây – chỉ một nửa escudo trên mỗi mét vuông đất, đủ để mua một nửa con cá mòi tại thời điểm đó. Đối với nhà ở và công trình, mức bồi thường được ấn định ở mức 5 escudo trên 1 mét vuông. Vì vậy, dân làng phải lấy đi bất cứ thứ gì họ có thể mang theo, bao gồm cả những tấm lợp chỉ để lại những bức tường trần của những ngôi nhà.
Cuối cùng vào năm 1972, các đập chắn nước được xây dựng và nước sông Homem tràn vào tưởng chừng nuốt chửng Vilarinho da Furna vĩnh viễn. Trớ trêu thay, chính việc việc xây dựng đập và sự biến mất rồi hồi sinh của ngôi làng lại khiến Vilarinho da Furna được tưởng nhớ mãi mãi.