Vườn Dâu Tây thủy canh là phương pháp trồng Dâu Tây trên giàn giá thể cách mặt đất khoảng 1m tại thành phố Đà Lạt. Thời gian trước đây, người dân nơi đây thường trồng Dâu Tây Đà Lạt theo từng luống dưới đất, loại hình này không mang lại năng suất cao và dễ bị rủi ro do thiên tai.
Cách đây khoảng 10 năm, một số nhà vườn Đà Lạt đã tiên phong ứng dụng công nghệ trồng Dâu Tây theo công nghệ thủy canh, treo trên giàn giá thể trong nhà kính để tránh bị chuột, mưa đá, sâu bệnh và giảm tối đa bệnh tật cho Dâu Tây.
Vườn Dâu Tây được trồng trên giàn giá thể tại Đà Lạt.
Vườn Dâu Tây thủy canh Đà Lạt được trồng trên giàn giá thể cách mặt đất khoảng 1m, những chậu Dâu Tây này đều được tưới và bón phân tự động thông qua hệ thống ống được cắm nhỏ giọt trên giàn. Tại các vườn Dâu Tây theo công nghệ thủy canh, người dân còn nuôi thêm ong để quá trình thụ phấn cho hoa Dâu được dễ dàng và Dâu Tây thuần chủng không bị lai tạp các loại Dâu khác.
Tại Đà Lạt bạn có thể tham quan và tìm hiểu cách trồng Dâu Tây theo công nghệ thủy canh tại vườn Dâu treo Biofresh tại khu du lịch hồ Than Thở. Cũng tò mò về hệ thống trồng dâu Tây theo công nghệ thủy canh này, tôi có hỏi chị Nguyễn Thị Thu Thủy chủ nhân của khu du lịch này vui vẻ trao đổi với khách: “Chúng tôi đang di chuyển nông trại 1,5ha dâu treo trong nhà kính từ Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương ra đây để tiện cho du khách tham quan mô hình mới này. Mô hình dâu treo với hệ thống tưới tiêu khép kín đã được chúng tôi tìm tòi, nghiên cứu và phát triển đã ba năm nay”.
Cầm hộp mứt dâu tây xinh xắn trên tay, chị Thủy khoe đây là thành phẩm của công nghệ trồng - thu hoặc - chế biến các sản phẩm Dâu Tây Mara Des Bois, Chalalotte thành đặc sản Đà Lạt theo quy chuẩn Pháp.
Không có quy mô lớn như trang trại Dâu Tây thủy canh Biofresh, vườn dâu tây thủy canh Đà Lạt của anh Nguyễn Thành Trung ở đường hồ Xuân Hương, Phường 9 là nhiều dãy máng phủ một lớp ni lông có đục lỗ bên trên để trồng cây Dâu.
Bên dưới các dãy dâu tây Đà Lạt là những cây bắp cải xanh mướt. Anh chia sẽ, cách trồng Dâu Tây thủy canh trên giàn như thế sẽ hạn chế 80% côn trùng nguy hiểm như nhện Dâu. Khi phát hiện ra những con nhện, anh chỉ việc phun nước chúng sẽ tự rớt xuống đất và chết không cần phải phun thuốc như trồng dưới mặt đất.
Không dùng chậu hay máng treo phủ ni lông, vườn Dâu Tây thủy canh của anh Nguyễn Lâm Thanh ở số 46 Đa Phú được thiết kế với các xơ dừa, kết hợp với các chế phẩm sinh học tất cả được nhồi vào từng bao nylon dài khoảng 1,2m được đục lỗ để trồng Dâu.
Cách ly với mặt đất khoảng 1m, các bao giá thể được đặt trên hệ thống giàn tre hai tầng và được tưới nước cũng như bón phân tự động. Giống Dâu Tây anh Thanh trồng là giống New Zealand có vị ngọt, đặc cơm mặc dù năng suất không cao như trồng ngoài trời, nhưng anh vẫn không có dư để bán đại trà vì đã có mối đặt hàng.
Các khách hàng khó tính đã bắt đầu để ý đến các sản phẩm Dâu Tây sạch được trồng theo công nghệ thủy canh trong nhà kính. Mặc dù gia Dâu Tây thủy canh hiện nay cao gấp 4 đến 5 lần Dâu Tây trồng dưới đất, nhưng không phải lúc nào cũng có sẳn để bán vì các sản phẩm trên đã được các khách hàng cao cấp, khách sạn, nhà hàng, hệ thống siêu thị – đa số ở Sài Gòn bao tiêu hết.
Mặc dù không còn đủ Dâu Tây để bán cho du khách tham quan du lịch Đà Lạt, nhưng các nhà vườn được kể ở trên đều rất nhiệt tình chào đón du khách tham quan, chụp ảnh và trao đổi phương pháp trồng Dâu Tây thủy canh, vườn treo...
Những vườn Dâu Tây thủy canh sạch ở trên, ngoài việc cung cấp những trái Dâu Tây đỏ tươi siêu sạch với đầy đủ chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của con người, nơi đây còn là một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng với rất nhiều du khách mỗi khi có dịp ghé thăm phố núi Đà Lạt.