Xín Mần ở phía Tây Bắc tỉnh Hà Giang. Phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà và Bảo Yên của tỉnh Lào Cai, phía Đông giáp Hoàng Su Phì, phía Nam giáp Bắc Quang của Hà Giang.
Với diện tích gần 600km2, Xín Mần hiện là nơi sinh sống của các dân tộc như Nùng, H’Mông, Tày, Dao, Kinh, La Chí, Phù Lá, Hoa, Cao Lan…
Xín Mần tương đối rộng nhưng dân cư thưa. Các dân tộc sống thành bản làng, đời này qua đời khác, gắn bó, yêu thương, tâm tình những câu chuyện truyền thống, những phong tục truyền thống cha ông để lại.
Từ khoảng tháng 5, tháng 6, người dân tộc Nùng ở xã Nấm Dẩn bắt đầu vụ cấy lúa. Đến Xín Mần, bạn sẽ được thăm thú, leo lên mỏm đá, phóng tầm mắt ngắm nhìn nương lúa, ruộng đồng bao la.
Những ngôi nhà làm bằng tre dạ trải dài khắp nương ruộng bậc thang. Cuộc sống hòa vào với lúa, với những mùa, với những tháng năm vạt đồi thành ruộng, với những câu chuyện kể à ơi. Mái nhà chênh vênh ruộng nhưng ngày đêm bám ruộng và giữ lại từng hạt nước hạt màu nơi đây.
Đặt chân đến Xín Mần, bạn đừng quên tới Đèo Gió, đền thờ Gia Long, hang thần tiên tại Nàn Ma, di tích bãi đá cổ Nấm Dẩn… Hai xã Nấm Dẩn và Nàn Ma là nơi thu hút nhiều du khách nhất của huyện Xín Mần.
Tháng 9, tháng 10 là thời điểm bắt đầu mùa lúa chín ở Xín Mần, thôi thúc dân phượt và những tay săn ảnh khắp nơi lên đường.
Với vẻ đẹp biến đổi của những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ tháng 6, lúa chín tháng 10 và tam giác mạch dịp cuối năm, Xín Mần tạo nên sức hút khó cưỡng với nhiều du khách.