Hồng treo Đà Lạt quánh mật, dẻo thơm

Không chỉ nổi tiếng là điểm du lịch hấp dẫn, Đà Lạt còn được biết đến với nhiều loại hoa quả sấy khô thơm ngon, trong đó có hồng treo.

Không chỉ nổi tiếng là điểm du lịch hấp dẫn, Đà Lạt còn được biết đến với nhiều loại hoa quả sấy khô thơm ngon, trong đó có hồng treo.

Nằm ở độ cao trên 1.500m, được bao quanh bởi các dãy núi và quần thể thực vật rừng, khí hậu của Đà Lạt (Lâm Đồng) luôn ôn hòa, dịu mát quanh năm. Vùng đất xinh đẹp nổi tiếng với nhiều loại trái cây, đặc biệt là những quả hồng chín mọng. Hiện nay, loại quả này được doanh nghiệp Shinsang tại Đà Lạt chế biến thành công theo công nghệ Nhật Bản và cho ra sản phẩm hồng treo trứ danh.

Hai loại hồng được đưa vào chế biến hồng treo là hồng trứng và hồng vuông. Doanh nghiệp thường thu mua quả chín của bà con huyện Đơn Dương – địa phương có nghề trồng hồng truyền thống và chất lượng quả thuộc hàng hảo hạng của vùng Đà Lạt. Theo yêu cầu và sự giám sát của doanh nghiệp, người dân Đơn Dương trồng cây theo phương thức tự nhiên. Các loại hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, chất bảo quản… đều bị cấm sử dụng. Do vậy, chất lượng nguyên liệu đầu vào được đảm bảo.

Đặc sản hồng treo Đà Lạt. Ảnh: Bizmedia.

Sau khi hái từ trên cây, hồng được vận chuyển tới nhà máy. Quá trình này được thực hiện trong vòng 24 giờ để đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm. Ở khâu kiểm tra nguyên liệu, những quả dập nát, sâu bệnh, rụng cuống sẽ bị loại bỏ. Những trái hồng to, đạt độ chín, đủ kích cỡ sẽ được đưa vào sơ chế. Tiếp đến, công nhân loại bỏ lớp bụi bẩn và tạp chất trên quả bằng bàn chải chuyên dụng và nước sạch rồi đưa qua xử lý cồn để diệt khuẩn.

Sau đó, hồng sẽ được gọt vỏ bằng máy, treo lên dây rồi đưa vào phòng vô trùng và phòng sấy. Tại phòng vô trùng, hồng được sát khuẩn các loại nấm men, nấm mốc trên bề mặt quả. Tại phòng sấy, hệ thống lò sẽ sấy khô, sơ bộ phía mặt ngoài quả hồng nhằm chống ẩm và chống nấm mốc. Cuối cùng, những dây hồng treo được đem đi phơi khô trong hệ thống nhà kính. Nơi phơi hồng phải đảm bảo độ thông thoáng, cao ráo, có ánh nắng mặt trời và lắp đặt màn che ngăn mưa, sương. Bên trong nhà kính, người ta lắp đặt quạt gió giúp đuổi côn trùng. Đều đặn hàng tuần, công nhân lại mang những dây hồng treo đang phơi khô đi xử lý vô trùng nhằm đảm bảo vệ sinh.

Sau khoảng 3 tuần phơi, những quả hồng tươi sẽ biến thành trái hồng khô dẻo thơm, mật quả quánh lại bao xung quanh. Thành phẩm cuối cùng này sẽ chuyển qua khâu đóng hộp và hút chân không nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và tăng thời gian bảo quản. Trong xưởng chế biến, toàn bộ công nhân và khách tham quan đều phải mặc trang phục bảo hộ để tránh mầm bệnh từ bên ngoài lây nhiễm vào sản phẩm.

Áp dụng công nghệ Nhật Bản, hồng treo Đà Lạt hoàn toàn không sử dụng hóa chất hay phụ gia. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hồng treo ngày càng rộng lớn, trải khắp mọi miền đất nước như Hà Nội, TP HCM, Lâm Đồng…



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social