Jerusalem – Vùng đất thiêng hiện thân của tôn giáo, văn hóa và lịch sử

Jerusalem là cội nguồn của cả 3 tôn giáo hàng đầu thế giới, là nơi không thể không đến đối với nhiều du khách, do sở hữu bề dày lịch sử, văn hóa.

Jerusalem là cội nguồn và nơi cùng chung sống của cả 3 tôn giáo lớn hàng đầu thế giới: Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái giáo. Bởi vậy, nơi này không chỉ là địa danh được quan tâm đối với chính quyền nhiều quốc gia, mà nó còn là nơi không thể không đến đối với nhiều du khách, do sở hữu bề dày lịch sử, văn hóa.

Jerusalem (hay còn gọi là Yerushalayim trong tiếng Hebrew, và Al-Quds trong tiếng Arab), là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới. Nơi đây là chứng nhân lịch sử với nhiều lần bị chinh phục, phá hủy, rồi tái thiết. Mỗi một lần được xây dựng lại, nó lại đại diện cho những mảng khác nhau của quá khứ.

Bên cạnh vẻ đẹp cổ kính xen lẫn hiện đại của mình, Jerusalem cũng là khởi nguồn của những tranh cãi gay gắt bất tận. Đây là một thành phố bị chia cắt, một phần của người Ả Rập, một phần của người Do Thái, và các bên vẫn đang tranh đấu không ngừng nghỉ cho quyền sở hữu thánh địa này.

Ngoài nổi tiếng là vùng đất tranh chấp triền miên giữa Israel và Palestine, Jerusalem cũng được biết đến là thánh địa của cả 3 tôn giáo hàng đầu thế giới là Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Do thái giáo, những tín ngưỡng cùng chia sẻ nguồn gốc chung về Thánh Abraham.

Với người Do Thái, đây là nơi vua David xây dựng thủ đô của vương quốc Israel thống nhất và vua Solomon xây Đền thờ đầu tiên. Hàng năm, hàng triệu tín đồ Do Thái đã đổ tới Bức tường than khóc ở đây để hành hương.

Với người Kito giáo, đây là nơi chứng kiến Chúa Jesus bị đóng đinh. Theo đó, nơi đây quan trọng thứ 3, chỉ sau Mecca và Medina. Hàng năm, hàng triệu tín đồ thiên chúa giáo đã hành hương về nơi đây để thăm nhà thờ Mộ chúa và cầu nguyện.

Còn theo Kinh Koran, Jerusalem là điểm dừng chân trong hành trình Đêm kỳ bí của Nhà tiên tri Mohammed. Do vậy, đây cũng là nơi mà các tín đồ Hồi giáo thường tới thăm Jerusalem quanh năm, đông nhất là trong tháng Ramadan.

Mặc dù nhiều du khách khi nhắc đến thành phố này thường nghĩ ngay đến sự thiếu an toàn, chia rẽ hay xung đột. Nhưng trên thực tế, dù tồn tại 3 tôn giáo cùng một lúc nhưng những giáo dân này lại rất đoàn kết trong việc dành sự kính trọng của mình đối với vùng đất thánh.

Trung tâm của thánh địa này là ‘Thành phố cổ”, một mê cung những ngõ hẹp và kiến trúc lịch sử đặc trưng cho bốn phần dân cư: Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Do thái và người Armenian. Thành cổ được bao quanh bởi một bức tường và những ngôi nhà bằng đá pháo đài.

Những bức tường bao quanh thành phố cổ này được xây dựng dưới đế chế Ottoman (1520-1566). Thành cổ có 11 cổng nhưng hiện nay chỉ mở 7 cổng là Jaffa, Zion (Thiên đường), Dung (Rác thải), Lion (Sư tử), Herod’s (Anh hùng), Damascus và New (Mới).

Thành cổ Jerusalem được chia thành 4 khu, được đặt tên theo sự sáp nhập dân tộc của cư dân. Những khu vực này hợp thành hệ thống vuông góc đường phân cách là những con phố nối từ cổng Damascus tới cổng Thiên đường (chia thành phố theo hướng Đông – Tây) và từ cổng Jaffa tới cổng Sư tử (Bắc – Nam). Vào thành phố qua cổng Jaffa và đi trên phố David, du khách sẽ phân biệt rõ khu vực của người Cơ đốc giáo ở bên trái, khu vực của người Armeni ở bên phải. Khu vực của người Do Thái nằm bên phải đường Do Thái, bên trái là khu Hồi giáo.

Jerusalem có rất nhiều công trình nổi tiếng. Đầu tiên là Vòm đá thiêng – dưới mái vòng màu vàng kim này là thánh tích Tảng đá Khởi thủy – một tảng đá lớn có hình thù kỳ lạ, nơi mà người Hồi giáo tin rằng nhà tiên tri Mohammed đã từ đó bay lên thiên đàng sau khi chết.

Đối diện và cách Al Haram Al Sharif khoảng 500m về phía Nam là thánh đường Al-Aqsa nổi tiếng, cũng với chiếc mái vòm hình vòng cung nhưng màu xám bạc. Al-Aqsa được xây dựng vào năm 693 để làm nơi cầu nguyện cho các tín đồ Hồi giáo trong thành phố.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến “Bức tường than khóc” còn được gọi đơn giản là “Bức tường phía tây” (Western Wall), là địa điểm tôn giáo quan trọng và linh thiêng của người Do Thái. Bức tường được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Herod Đại Đế, như một phần trong việc mở rộng đền thờ Do Thái thứ 2. Theo kinh Tanakh, đền thờ của vua Solomon được xây trên đỉnh Núi Đền vào thế kỷ thứ 10 trước công nguyên và bị quân Babylon tàn phá năm 586 trước công nguyên.

Đền được tái xây dựng và dâng cho Chúa năm 516 trước công nguyên. Khoảng năm 19 trước công nguyên, Herod Đại đế bắt đầu một công trình vĩ đại tại Núi Đền. Ông cho mở rộng khu vực này thành một gò, hay một nền đất lớn. Sau trận chiến với quân La Mã, bức tường bị phá hủy và đến nay chỉ còn một đoạn tường thành ngắn.

Ngày nay, Bức tường than khóc là điểm đến tôn giáo của người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới tới cầu nguyện. Họ có thể thăm viếng suốt ngày đêm. Hơn 2000 năm trôi qua kể từ ngày Chúa Jesus giáng sinh, các tín đồ vẫn đổ về cầu nguyện. Với người Do Thái, địa danh này không đơn thuần là điểm đến tâm linh, một di tích lịch sử, còn là niềm tự hào dân tộc. Bên cạnh đó, nơi đây còn có cả Nhà thờ Mộ thánh được các hiệp sĩ Thập tự chinh xây dựng vào thế kỷ 12.

Mới đây, vào ngày 5/12 Mỹ bất ngờ ra thông báo cho biết Tổng thống Donald Trump đã trao đổi với 5 nhà lãnh đạo các nước Trung Đông về “những quyết định liên quan đến vấn đề Jerusalem”, trong đó công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và di chuyển trụ sở đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến thánh địa này. Điều này gây nên nhiều tranh cãi và có thể sẽ thổi bùng lên những xung đột dai dẳng tại “chảo lửa” Trung Đông.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social