Maroc – Vương quốc của những Medina

Tôi thường ghé thăm những ngôi chợ khi thang thang ở một thành phố hay một đất nước nào đó. Bởi chợ là cái lăng kính đa sắc màu giúp tôi có thể tường tận được đời sống văn hóa ở những vùng miền đã đi qua.

Tôi thường ghé thăm những ngôi chợ khi thang thang ở một thành phố hay một đất nước nào đó. Bởi chợ là cái lăng kính đa sắc màu giúp tôi có thể tường tận được đời sống văn hóa ở những vùng miền đã đi qua. Những ngôi chợ phản ánh chân thực cuộc sống thường nhật của người bản địa và nếu lạc vào những khu chợ cổ, tôi còn có thể tưởng tượng cả một không gian lịch sử quá khứ độc đáo, huyền bí.

Maroc có rất nhiều ngôi chợ cổ. Chúng thường được gọi là medina, tức khu chợ cổ phức hợp có tường thành bao quanh. Ở Maroc, mỗi thành phố đều hình thành những khu medina từ hàng trăm đến hàng nghìn năm trước. Medina là nơi sinh sống, làm việc, các khu chợ nhỏ trao đổi mua bán các sản vật địa phương, những làng nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo được hình thành trong khu phức hợp này và được chia ra theo từng khu vực như chạm khắc gỗ, thuộc da, hàng mã, hàng đồ đồng, hàng gia vị… Hơn 10 ngày rong ruổi ở xứ Bắc Phi này, tôi đã bị cuốn hút và cố gắng đi bằng hết những medina nổi tiếng, mà mỗi khu lại mang những nét chấm phá riêng trong bức tranh toàn cảnh về văn hóa ở Maroc. Medina ở Tangier với nhiều hàng hóa bản địa cũng như nước ngoài phục vụ cho người châu Âu, màu xanh huyễn hoặc của medina ở Chefchaouen giúp ta có thể sống chậm để chiêm nghiệm từng giọt cuộc sống, medina ngàn năm tuổi với những khu làng nghề truyền thống ở Fes, một medina ở Marrakech lạc bước không muốn về hay medina ở Meknes vẫn nhuốm màu quá khứ…

Thế giới của quá khứ chỉ sau vài bước chân

Đến Maroc thì không thể không đến Fes, không chỉ vì Fes là đô thị lớn thứ 3 ở Maroc mà bởi nơi đây có sự hiện diện của một trong những khu medina lâu đời nhất thế giới, hình thành từ thế kỷ thứ 9. Từ tờ mờ sáng, khi những cửa hiệu còn chưa mở cửa, tôi đã vội vã len lỏi vào mê cung chằng chịt như những mạng nhện khổng lồ. Một thế giới quá khứ dường như đang mở ra chỉ sau vài bước chân, cửa hàng nối tiếp cửa hàng. Những người đàn ông đang hì hục tháo dỡ những kiện hàng trên lưng những chú lừa để chuẩn bị cho một ngày tất bật buôn bán. Medina ở Fes nổi tiếng là những làng nghề truyền thống, đặc biệt là nghề thuộc da vẫn giữa cách chế biến cổ truyền từ hàng nghìn năm qua. Tôi nhìn thấy bản chỉ dẫn đến Tannery, cách gọi xưởng thuộc da nổi tiếng xuất hiện rất nhiều trên những tấm bưu thiếp ấn tượng về Maroc. Medina ở Fes sở hữu những xưởng thuộc da lâu đời nhất thế giới vốn ra đời khoảng thế kỉ thứ 9. Ấn tượng đầu tiên đến từ khứu giác của tôi chứ không phải những hình ảnh thị giác bởi mùi da thuộc. Ở đây, những cửa hàng da đều có lối dẫn lên tầng thượng để nhìn toàn cảnh khu thuộc da ngoài trời. Có khá nhiều các cửa hàng bán đồ da vây xung quanh khu xưởng thuộc và họ dành hẳn khu sân thượng để du khách nhìn ngắm và chụp ảnh. Hoạt động này liên tục diễn ra từ thế kỷ thứ 11 khi mà những món đồ da được sản xuất từ Fes xuất đi trở nên nổi tiếng. Đứng từ trên cao, bạn có thể ngắm nhìn hàng trăm hố tròn nhiều màu sắc bên dưới. Một nửa màu trắng xanh và nửa kia pha trộn nhiều màu sắc khác nhau. Chẳng hạn như màu đỏ được sử dụng từ cây henna, màu vàng từ nghệ tây hay màu xanh từ lá bạc hà… Sau khi đã tẩy sạch da và nhuộm màu họ đem trải lên những nóc nhà trong medina hoặc mang đến những sườn đồi xung quanh Fes để phơi. Quy trình mà những công nhân đang thực hiện ngày nay đã tồn tại khoảng hơn 500 năm và hiện họ không muốn cải tiến để gìn giữ nghề truyền thống nhưng vô cùng độc đáo này.

Những người đàn ông và cả những thanh niên trẻ tuổi không có bất cứ dụng cụ bảo vệ nào nhảy xuống chiếc hố, trầm mình trong dòng nước ô nhiễm để làm sạch hoặc dẫm lên da cho chúng ngấm màu. Tôi cảm thấy xót xa cho thân phận của những người làm thuê. Họ đã làm công việc này từ nhiều thế hệ và lối sản xuất thủ công vẫn được giữ lại trong lòng medina như một bằng chứng cho sức mạnh trường tồn từ quá khứ.

Lạc bước ở Marrakech

Người Maroc thường khuyên du khách: “Bạn hãy lạc bước ở Marrakech”. Và tôi đã làm theo, tôi đã lạc trong thế giới ẩm thực ở Marrakech.

Trung tâm của Marrakesh là khu phố cổ medina, được bao bọc bởi một bức tường thành chạy dài làm từ đá sa mạc đỏ. Chính bởi màu hồng đỏ đặc trưng này mà Marrakesh còn được biết đến với tên gọi đáng yêu là “thành phố màu hồng”. Không quá rộng như Fes, nhưng thừa ngõ ngách và quanh co, medina ở Marrakesh như một thế giới bí ẩn mà càng tiến sâu vào nó, càng cảm thấy khó quay trở ra.

Trung tâm của medina là quảng trường Jemaa el-Fnaa. Ban ngày, nơi đây thu hút khách du lịch và những người dân Maroc trong trang phục truyền thống chờ đợi mời gọi du khách chụp ảnh lưu niệm, những ông già dụ rắn, những xe đẩy hoa quả hay đồ lưu niệm phục vụ cho khách du lịch và cả người dân địa phương. Ban đêm, không khí tại quảng trường càng sôi động hơn bởi nơi đây biến thành khu chợ đêm nhộn nhịp mà từ lâu đã đứng đầu trong danh sách những điểm cần phải đến dành cho khách du lịch tới Maroc. Khu chợ hoạt động đến tận khuya với vô vàn các món ăn đường phố đặc trưng của xứ này. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm bất kỳ món ăn địa phương nào ở thiên đường ẩm thực Marrakech.

Tajine là món mà bạn có thể gọi trong bất kì nhà hàng nào tại Marrakesh, từ các nhà hàng sang trọng có những vũ công múa bụng phục vụ du khách cho tới các hàng quán bình dân khuất trong ngõ nhỏ. Đây là món hầm truyền thống được nấu trên lửa than liu riu. Tên tajine được đặt dựa theo thứ đồ đựng cho loại món ăn này: một đĩa to sâu lòng làm bằng đất nung đi kèm một nắp đậy hình nón. Tajine được sản xuất với nhiều kích cỡ và trang trí hoa văn, màu sắc khác nhau. Nhờ hình dạng đặc biệt mà đồ ăn trong tajine luôn chín mềm, ngấm trong gia vị rất thơm ngon mà không bị nát. Hai ngày ở Marrakech tôi tranh thủ thử các loại tajine khác nhau: từ tajine thịt bò, thịt gà, thịt cừu đến cá và các loại rau củ đi kèm. Các món tajine có mùi vị khác nhau nhờ vào liều lượng pha trộn các loại gia vị như hạt mùi, tiêu, ớt, nghệ, ô liu, hành tây, hồi được rang và giã nhuyễn. Tôi ấn tượng nhất là món tajine thịt cừu được thưởng thức ở chợ đêm Marrakech. Cừu được xử lý hết mùi hôi thường thấy, đem hầm với khoai tây, ô liu, cà chua và tiêu xanh cay lừng. Càng thưởng thức, tôi càng thấy sự phong phú và đa dạng của ẩm thực Maroc, không phải chỉ ở nguyên liệu chính dồi dào mà còn là sự hòa quyện của hàng trăm thứ gia vị đặc biệt của vùng Bắc Phi.

Sống chậm bên tách trà bạc hà thơm lừng ở Chefchaouen

Những ngày mệt nhoài do di chuyển hay tham quan ở Maroc sẽ cân bằng nếu bạn dành nốt thời gian còn lại của hành trình để sống chậm ở Chefchaouen.

Không vội vã đi tham quan như ở Fes hay Marrakech, tôi dành cả một buổi sáng để ngắm khu phố cổ được phủ bởi màu xanh huyễn hoặc của trời. Từ trên sân thượng của hostel, tôi nhận ra Chefchaouen lặng lẽ nép mình dưới chân đồi của dãy núi Rif, như thể chờ đợi du khách một lần đến để lười nhác, để tìm lại hương vị an nhàn của cuộc sống.

Anh bạn chủ nhà trọ mang cho tôi một bình trà bằng bạc nóng hổi. Đó chính là loại trà Touareg truyền thống của người Maroc được kết hợp từ trà xanh, lá bạc hà tươi và đường. Người Chefchaouen thường tiếp khách bằng ba loại trà với hương vị và ý nghĩa riêng. Lần đầu là nhẹ nhàng như cuộc sống, lần thứ hai là nồng nhiệt như tình yêu và lần thứ ba là đắng ngắt như cái chết. Nếu từ chối uống một trong ba loại trà này, bạn sẽ bị coi là bất lịch sự và thô lỗ. Đối với họ, trà được xem là thức uống khoái khẩu khi đàn ông Hồi giáo không được phép uống rượu.

Hoàng hôn ở Chefchaouen như muốn níu kéo bước chân của tôi ở lại với khu phố này thêm nữa. Ở Maroc đâu đâu cũng có medina, nhưng chính ở Chefchaouen lại là nơi để người ta mơ ước một lần được quay trở lại.


TIPS

Những điều cần biết khi du lịch Maroc

Thời điểm: Từ tháng 6 đến tháng 9 là thời điểm tốt nhất để các bạn đến thăm Maroc. Vào thời gian này mặc dù hơi ẩm ướt nhưng thời tiết khá ấm áp, trời lại ít mưa và nhiệt độ cao nhất chỉ vào khoảng 20 độ C. Trời trong xanh, lấp ló những đỉnh núi tuyết rất thích hợp với du khách đam mê chụp ảnh.

Visa: Bạn có thể nộp hồ sơ xin visa Maroc tại đại sứ quán Maroc ở số 9, Chu Văn An, Ba Đình, Hà Nội. Sứ quán sẽ cấp visa 1 lần cho bạn theo thời gian bạn dự định xin khi đến Maroc. Lệ phí 50USD/khách.

Di chuyển: Từ Việt Nam bạn có thể đến Maroc bằng cách sử dụng các chuyến bay của hãng hàng không Turkish Airlines, Qatar Airways hay Emirates Airways có giá giao động từ 800 – 1.000USD/khứ hồi. Các chuyến bay thông thường transit tại Istanbul, Doha hay Abu Dhabi sau đó hạ cánh xuống Casablanca, thành phố lớn nhất tại Maroc, từ đó bạn có thể chọn đi xe buýt hay tàu hỏa đến Fes, Marrakech hay Tangier. Bạn có thể đặt vé xe buýt chất lượng cao trực tuyến tại http://www.ctm.ma/ để di chuyển trong các tỉnh thành của Maroc hoặc đến trực tiếp các ga xe lửa ở các thành phố lớn rất tiện lợi.

Khách sạn: Đến Maroc, các bạn không thể bỏ qua các medina nổi tiếng ở đây. Những ngôi nhà Maroc truyền thống (Riad) trong các medina giúp bạn thuận tiện trong việc khám phá, thăm quan phố cổ. Các Riad có kiến trúc cổ kính, ấm cúng, trang trí hoa văn độc đáo và có sân thượng để du khách ngắm hoàng hôn hay bình minh tuyệt đẹp. Các Riad trang bị phòng đôi hay giường dorm rất thích hợp cho khách du lịch theo dạng tự túc. Bạn có thể tham khảo các Riad như: Casa Ellias (Chefchaouen), Riad Sunrise (Fes) hay Riad Zanzibar (Marrakech) với giá trung bình khoảng 25-30USD/người/ phòng đôi.

Ẩm thực: Theo dòng chảy lịch sử, ẩm thực Maroc chịu ảnh hưởng và giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau trong nhiều thế kỷ. Đó là sự pha trộn của ẩm thực Địa Trung Hải, của người Berber và Andalucia độc đáo. Ẩm thực Maroc là sự kết hợp tinh tế giữa các loại thịt, cá, rau củ, những loại gia vị hiếm có tạo nên hương vị thơm ngon rất riêng. Người Việt Nam hoàn toàn dễ bị chinh phục bởi các món tajine, món thịt xiên, món couscous, đầu cừu luộc và thức uống trà bạc hà thơm lừng…

Ngôn ngữ: Đừng quá ngạc nhiên nếu bạn nghe nhiều ngôn ngữ khác nhau ở Maroc. Ngoài ngôn ngữ chính thức là tiếng Ả Rập, người dân ở đây còn có thể nói nhiều thứ tiếng khác như Pháp, Tây Ban Nha và một số phương ngữ như Tashelhit, Tamazight, Tarifit… Mặc dù không phổ biến như tiếng Pháp nhưng tiếng Anh cũng được sử dụng ở Maroc, đặc biệt là trong du lịch.

Tôn giáo: Là quốc gia Hồi giáo nên du khách cần chú ý một số vấn đề khi đi du lịch đến Maroc. Bạn không nên sử dụng tay trái để làm bất cứ điều gì nơi công cộng vì điều này sẽ dễ gây phản cảm với người dân khi họ cho rằng tay trái là không sạch sẽ. Người Maroc không thích chụp ảnh, nhất là phụ nữ, vì thế bạn cẩn thận và xin phép trước khi chụp ảnh họ. Những du khách nữ được khuyên ăn mặc kín đáo khi đến đây. Hầu hết các nhà thờ Hồi giáo ở Maroc không cho khách du lịch nước ngoài ngoại đạo vào tham quan, trừ nhà thờ Hassan II tọa lạc ở thành phố Casablanca.

Những điểm tham quan ở Ma-rốc: Thành phố Casablanca, Fes, Meknes, Tangier, Marrakech, Chefchaouen, sa mạc Sahara, dãy núi Atlas… Bạn có thể mua tour từ Fes đi Marrakech 3 ngày 2 đêm để trải nghiệm cung đường tuyệt đẹp này. Bạn sẽ được cưỡi lạc đà và ngủ đêm trên sa mạc sahara, tham quan dãy Atlas, hẻm núi Todra Gorges nổi tiếng với nhiều trò chơi cảm giác mạnh như leo núi, trekking… hay viếng thăm ngôi làng di sản thế giới Kasbah Benhaddou với giá tour khoảng 150-200EUR/khách (khoảng 3,7-5 triệu đồng) tùy theo tiêu chuẩn khách sạn bạn chọn, giá tour không bao gồm chi phí ăn trưa, tiền bồi dưỡng và nước uống. Bạn có thể tham khảo Morocco Desert Tour qua số điện thoại +212.667.291.025.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social