Tham quan Nhà Lớn - đền Ông Trần ở đảo Long Sơn

Cùng thuộc địa phận tỉnh Bà Rìa - Vũng Tàu, lại nằm trên con đường từ Sài Gòn đến Vũng Tàu, thế nhưng khu vực đảo Long Sơn vẫn chưa được du khách biết đến nhiều. 

 

Nhà Lớn Long Sơn là nơi thờ đạo giáo của Khổng tử - Ảnh: Yadi Yasin

Với hướng đi theo quốc lộ 51, bạn chỉ phải chạy khoảng 80km (quãng đường này giảm xuống còn hơn 70km nếu đi theo phà Cát Lái) là tới được ngã ba Long Sơn, ngã rẽ này cách cổng chào Bà Rịa khoảng 8km và có bảng chỉ dẫn khá lớn nên bạn sẽ không lo lỡ mất đâu. Quẹo phải vào ngã ba này, chạy thêm tầm 5-6 km nữa theo hướng chỉ dẫn, bạn sẽ đến được với khu di tích Nhà Lớn Long Sơn

Từ chỗ rẻ, đi thêm tầm 5-6km là đến khu di tích Nhà Lớn Long Sơn - Ảnh: wikipedia

Cảm tưởng đầu tiên khi đặt chân đến trước khu di tích Nhà Lớn Long Sơn đó là cảm giác vừa thân thuộc, nhẹ nhàng, vừa kỳ lạ với lối kiến trúc và những tông màu hiếm thấy. Nhà Lớn Long Sơn có tông màu sáng, chủ yếu là xanh nhạt, vàng và đỏ tươi, tạo cảm giác sinh động, và thích mắt nhưng kiến trúc lại là rất quen thuộc và bình dị như thôn quê Việt Nam ngày xưa.

Kiến trúc Nhà Lớn tươi sáng với sắc vàng và xanh nhạt - Ảnh: binhphuoc93

Khách đến sẽ được mời ngồi vào nhà khách với trà, bánh ít trần và khoai mì để sẵn - Ảnh: binhphuoc93

Tất cả những người trong coi khu di tích này đều là con, cháu, họ hàng xa, bà con từ thời trước trông coi, và mọi người đều tình nguyện góp sức để gìn giữ khu di tích này chứ không hề được trả công. Không cần phải mua vé, khách du lịch cũng sẽ được mời vào khu nhà khách, ngồi uống nước trà nóng, và nghe kể về câu chuyện của Ông Trần.

Khu vực xung quanh vẫn được gìn giữ theo lối kiến trúc từ ngày xưa - Ảnh: vietnamtourism

Hàng năm, vào ngày vía Ông Trần và ngày Trùng Cửu khách về rất đông - Ảnh: luutanphat

Một điều tất cả mọi người sẽ nhầm lẫn nếu không thực sự lắng nghe câu chuyện của Ông Trần, đó là ông không phải họ Trần. Ông tên thật là Lê Văn Mưu, người ở Hà Tiên, vào năm 1900 ông Trần và khoảng 20 người trong cùng gia tộc di cư đến đây, dừng chân ở bến Long Điền thì thấy nơi đây chưa được khai phá nên chọn nơi này để lập nghiệp và truyền đạo. Lúc sinh thời, ông lúc nào cũng làm việc luôn tay, để tóc búi lại, lưng trần, đi chân đất, chính vì thế người dân quen miệng gọi ông là ông Trần.

Con thuyền đã đưa Ông Trần cùng gia tộc của mình đến Long Sơn - Ảnh: luutanphat

Con cháu ông tại đây vẫn giữ phong tục mặc áo bà ba, búi tóc cao và đi chân đất - Ảnh: doisongphapluat

Trong gần 20 năm xây dựng (từ năm 1910 đến 1929 thì hoàn thành), tất cả tiền bạc, tài nguyên cần thiết để xây dựng nên Nhà Lớn ngày nay đều là của ông Trần và những người tin theo ông tự nguyện gom góp. Mục đích chính của Nhà Lớn Long Sơn là làm thơi thờ cúng của đạo Khổng Tử, và nhà Thánh (thờ Khổng Tử) - Chánh Điện, là khu vực đầu tiên được xây dựng.

Những khu vực thờ Khổng Tử, thờ trời đất được xây dựng trước tiên - Ảnh: binhphuoc93

Rồi đến những khu vực khác như khu nhà ở, trường học - Ảnh: bietthubien

Tiếp sau đó, những khu vực quan trọng tiếp theo được xây dựng như lầu Tiên, lầu Phật, lầu Cấm, nhà khách, vườn hoa và công tam quan. Sau khi khu vực thờ cúng được hoàn thành, ông cho xây dựng lầu Dài, làm nơi nghỉ ngơi cho người đến thăm viếng, rồi tiếp tục xây 5 dãy phố cho cư dân đến lập nghiệp, trường học dạy chữ quốc ngữ và nhiều công trình thiết thực khác như nhà chợ, nhá máy xay lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp và nhiều hồ chứa nước ngọt … Tất cả những kiến trúc này đều nằm trong một khu nên được gọi là Nhà Lớn, sau khi ông mất, khu di tích này còn được gọi là đền Ông Trần.

Một số khu vực trong khu Nhà Lớn đã được sửa chữa để duy trì hoạt động - Ảnh: binhphuoc93

Nhà Lớn Long Sơn được xây dựng với phong cách pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian (trời, đất) với Nho giáo, Lão giáo của Khổng Tử. Đa phần các vật dụng chính trong Nhà Lớn đều được làm bằng gỗ xà cừ và cẩn hoa cương. Tại đây cũng có rất nhiều món đồ cổ quý giá như bộ tủ thờ, bộ lư hương và chân đèn cổ, nhiều bức hoành phi, liễn thờ, những vật dụng này được ông sưu tầm và đem về lưu trữ sau những chuyến hàng có lời từ Sài Gòn.

Nhiều món đồ cổ có giá trị được lưu trữ tại đây - Ảnh: binhphuoc93

Tín ngưỡng thờ Khổng Tử không yêu cầu quá nhiều nhanh, đèn, kinh, kệ mà chủ yếu những lời dạy, sách của đạo giáo mang ý nghĩa khai mở tri thức và khuyên răn con người. Du khách đến đây sẽ được đi tham quan hoàn toàn miễn phí, thậm chí còn được thưởng thức khoai mì, bánh ít trần, nhưng có một hạn chế đó là không được tự do chụp hình tại những nơi thờ cúng, chánh điện. Lý do của con cháu Ông Trần là do không chủ trương quảng cáo du lịch, những ai có lòng biết đến Ông Trần sẽ tự tìm đến.

Đạo giáo Khổng Tử đa phần gồm những điều truyền dạy đạo lý và cách sống - Ảnh: Quan Tran

Khi ông mất, ngoài đạo giáo của Khổng Tử, ở đây còn hình thành tín ngưỡng đạo ông Trần, vốn pha trộn nhiều đạo giáo khác nhau, nhưng chủ đích vẫn hướng con người đến với chân - thiện - mỹ. Con cháu của ông vẫn giữ gìn những phong tục, tập quán của ông, để không bị mai một theo thời gian, mọi việc trong Nhà Lớn được một nhóm 5 người, gọi là phiên ngũ đảm nhiệm, và nhóm này sẽ luân phiên thay đổi cứ mỗi 3 ngày. Hiện nay Nhà Lớn có đến gần 70 phiên với hơn 300 người tự nguyện phục vụ.

Việc coi sóc khu di tích hiện nay được thực hiện nhờ sự tự nguyện của con cháu và người dân nơi đây - Ảnh: giaiphapexcel

Ngày này, người dân theo đạo Ông Trần vẫn mặc quần áo bà ba, đi chân đất, tóc búi gọn gàng, để giữ vững hình tượng mà Ông Trần để lại, từ sinh hoạt đến cả tính cách đậm chất Nam Bộ. Nếu bạn có cơ hội ghé qua đảo Long Sơn, hãy nhớ ghé khu di tích Nhà Lớn Long Sơn, để thấy công sức và tâm nguyện của Ông Trần vẫn còn được gìn giữ nơi đây.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social