Bước tới đèo Ngang bóng xế tà, cỏ cây chen lá, đá chen hoa

Ngày nay, có dịp viếng cảnh đèo Ngang, chúng ta sẽ thấy con đèo này còn lưu giữ khá nhiều dấu ấn lịch sử và di tích văn hóa của một thời đã qua.

“Đèo Ngang gánh nặng hai vai / Một vai Hà Tĩnh, một vai Quảng Bình” – Không rõ câu thơ lục bát này có từ bao giờ nhưng khi lớn lên, tôi đã nghe rất nhiều người sống ở vùng đất quanh đèo Ngang ngâm nga và truyền cho nhau nghe.

Từ Hoành Sơn Quan nhìn xuống đèo Ngang – Ảnh: Lam Giang

Làng biển quê tôi ở bờ nam sông Ròn, cách đèo Ngang hơn 10 cây số. Do vậy, từ thuở thiếu thời, tôi đã cùng bè bạn đặt chân tới con đèo này, khi thì để chặt cây khô về làm củi, khi thì xuống bãi biển Vĩnh Sơn (nay thuộc xã Quảng Đông, tỉnh Quảng Bình) dưới chân đèo mò cua, bắt ốc, bứt rau trang, rau nức…

Đến tuổi trưởng thành, ra Bắc vào Nam kiếm sống, chúng tôi càng có nhiều dịp qua lại trên quốc lộ 1A vắt qua dãy Hoành Sơn – một tên gọi khác của đèo Ngang – một dãy núi nổi tiếng trong lịch sử nước nhà.

Quốc lộ 1A lượn từ triền núi này sang ngọn đồi khác. Hai bên đường, trên sườn đèo “cỏ cây chen đá, lá chen hoa” với đủ các loại cây rừng to, nhỏ khác nhau…

Thuở xưa, toàn bộ dãy Hoành Sơn là một cánh rừng, một thảm thực vật biếc xanh suốt bốn mùa. Đây cũng là nơi cư trú, là tổ ấm của nhiều loài động vật hoang dã như voi, hổ, tê giác, hươu, nai, gà lôi, công, trĩ…

Có dịp dừng chân trên đỉnh đèo Ngang phóng tầm mắt ra xa, chúng ta sẽ nhìn thấy Biển Đông xanh rờn trước mặt. Mũi Rồng, Vũng Chùa, Hòn Én, Hòn La và nhiều bãi đá lớn, rạn san hô ngầm… nhấp nhô theo từng con sóng vỗ bờ ngày đêm.

Thuyền câu, thuyền lưới bình yên buông neo đánh bắt cá tôm. Dưới chân đèo, mấy con suối, con sông nhỏ uốn khúc quanh co bên những ruộng lúa, nương khoai. Thấp thoáng sau hàng dừa, rặng phi lao là những mái ngói đỏ tươi, mái tranh sẫm màu của bà con làng chài, xóm núi.

Đèo Ngang với người xưa là vùng đất hiểm yếu và từng được mệnh danh là “phên giậu”, là “bức trường thành” phía Nam của nước Đại Việt. Vùng núi này một thời được người Việt và người Chăm chọn làm biên giới tự nhiên giữa hai nước.

Do vậy mà lũy Hoàn Vương ở cực bắc nước Chiêm Thành đã được dựng lên. Nơi đây cũng từng là địa điểm đóng đồn lũy của quan quân chúa Trịnh trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh hồi thế kỷ 17.

Hoành Sơn Quan.-Ảnh: Lam Giang

Ngày nay, có dịp viếng cảnh đèo Ngang, chúng ta sẽ thấy con đèo này còn lưu giữ khá nhiều dấu ấn lịch sử và di tích văn hóa của một thời đã qua.

Trên đỉnh đèo vẫn còn nguyên vẹn cửa quan lớn mang tên “Hoành Sơn quan”, một cửa quan rất đẹp được xây dựng dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840) cùng với những phần còn lại của hai bức tường thành cao chạy theo hai hướng: hướng vô Trường Sơn, hướng ra Biển Đông.

Ngoài ra, đây đó còn có một số đoạn thành đá và hầm đất vuông vức, bằng phẳng được người Quảng Bình gọi là “thành Ông Ninh”, “hầm Ông Ninh” theo tước hiệu của Ninh quận công Trịnh Toàn – võ tướng của chúa Trịnh.

Hai mái đèo phía bắc và phía nam đều có miếu, đền thờ Bà Chúa Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Hằng năm, vào các dịp lễ tết, hàng ngàn người dân trong vùng lần lượt tụ hội về đây làm lễ tế cúng Bà, cầu xin phước lành cho con cháu.

Lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới chân đèo Ngang mấy năm gần đây đã trở thành một nơi có sức thu hút lớn đối với hàng vạn người khắp ba miền Bắc – Trung – Nam nước ta.

Người người về đây chiêm bái lăng mộ Đại tướng sẽ có dịp ngắm cảnh đẹp Vũng Chùa – Hòn Én, đi xa một chút nữa sẽ tới cảng Hòn La, một hải cảng lớn, sâu và rất kín gió của vùng biển bắc miền Trung.

Khu mộ Đại tướng.-Ảnh: Quốc Nam

Đèo Ngang là một thắng cảnh, một di tích lịch sử – văn hóa giàu ý nghĩa không chỉ của một vùng quê, mà còn là của cả nước ta. Con đèo và miền đất này từng được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hồi thế kỷ 16 đánh giá là nơi “vạn đại dung thân”.

Con đường ghép đá vượt đèo qua “Hoành Sơn quan” thuở xưa và quốc lộ 1A sau này từng in đậm dấu chân của biết bao vĩ nhân từ Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Nhậm, Lê Quý Đôn… đến Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh…

Nhiều bài thơ hay vịnh cảnh đèo của giới thi sĩ xưa nay chắc chắn được lấy cảm hứng từ cảnh sắc sông núi, biển trời nơi đây. Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất và được truyền tụng nhiều nhất chính là bài “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social