Giao thông xứ sở hoa anh đào hiện đại và phát triển bậc nhất thế giới nhưng những du khách chưa tìm hiểu kỹ rất dễ lạc đường, nhỡ tàu và mất tiền oan.
Các phương tiện giao thông du khách đi ‘bụi’ cần lưu ý khi đến du lịch Nhật Bản
Có gần 127 triệu dân, Nhật Bản nằm trong top 10 quốc gia có dân số lớn nhất thế giới nhưng ít khi xảy ra tình trạng tắc đường, kể cả ở thủ đô sầm uất Tokyo. Việc quy hoạch hợp lý khiến phương tiện giao thông công cộng ở Nhật trở nên đa dạng và tiện lợi tới mức các gia đình có khi chẳng cần tới xe cá nhân dù hầu hết người dân đều sở hữu ôtô riêng hay xe đạp. Dự kiến một đến hai năm tới, đất nước này còn có thể cho ra đời những loại tàu chạy tới vận tốc lên đến 550 km/h. Lần đầu đặt chân tới du lịch Nhật Bản, phần lớn du khách có thể sẽ bị choáng ngợp trước hệ thống phương tiện đi lại chằng chịt, đặc biệt là các bản đồ đường sắt. Nhưng một khi đã quen thuộc, bạn sẽ thấy việc đi lại ở Nhật Bản bằng phương tiện công cộng có thể nói là thuận tiện bậc nhất thế giới.
Với những người đi du lịch Nhật Bản lần đầu, việc đầu tiên cần làm khi tới sân bay là thuê cục phát wifi – thường có giá 200.000 đồng/ngày dùng cho nhiều người, thuê và trả thiết bị tại sân bay. Hệ thống giao thông công cộng của Nhật đồng bộ gần như tuyệt đối với Google Maps nên rất dễ dàng tìm đường, tìm phương tiện rẻ nhất, gần nhất và có chỉ dẫn rõ ràng hướng đi hay tính được chính xác thời gian đến của tàu xe.
Đường sắt
Những ga tàu ở nước Nhật giống như một thế giới riêng mà ở đó luôn có sự vận hành đều đặn giữa những chuyến tàu, hành khách. Du khách mới đầu nhìn hệ thống sơ đồ đi lại giữa các line tàu ở Tokyo chắc sẽ phải “khóc thét” vì quá chằng chịt. Nhưng nhờ đó, đường sắt Nhật Bản có thể đưa bạn tới đúng điểm đến mong muốn mà không cần đi bộ quá dài. Trong bộ phim “Lost in Translation” của đạo diễn Sofia Coppola vào năm 2003, nhân vật Charlotte của cô đào Scarlett Johansson đã rất băn khoăn khi nhìn tấm bản đồ JR lines ở Tokyo và cảm thấy như mình là “Alice lạc vào xứ thần tiên”.
Một chuyến tàu Shinkansen – phương tiện di chuyển nhanh nhất ở Nhật Bản. Ảnh: wikipedia
Mạng JR là hệ thống đường sắt quốc gia lớn nhất ở Nhật. Bên cạnh đó cũng có một số nhỏ hơn thuộc sở hữu của công ty tư nhân. JR hoạt động theo nhiều loại hình xe lửa, tàu cao tốc di chuyển từ các thành phố khác nhau lẫn trong nội thành. Shinkansen là niềm tự hào của JR nói riêng và giao thông Nhật Bản nói chung. Đây là một trong những hệ thống tàu cao tốc nhanh nhất thế giới, có thể chạy tốc độ tối đa lên đến 300 km/h dù trong một môi trường hay có động đất và bão táp. Chạy ở tốc độ cao nhưng bên trong tàu Shinkansen rất êm. Thời gian di chuyển giữa Kyoto và Tokyo (khoảng cách 513,6 km) chỉ trên dưới ba giờ đồng hồ. Giá vé một chiều của tàu Shinkansen khá đắt, nhiều lúc lên tới 3,2 triệu đồng và càng mua sát giờ càng đắt.
Tuy nhiên, lợi thế của du khách nước ngoài đến du lịch Nhật Bản khi sử dụng dịch vụ tàu JR tại Nhật là có thể mua thẻ JR Pass ở nước sở tại với giá khoảng hơn 6 triệu đồng (cho 7 ngày sử dụng). Loại thẻ này khi mua xong sẽ kích hoạt khi tới Nhật và chỉ có du khách nước ngoài đến đây mới được phép dùng. Nếu bạn di chuyển nhiều khi tới Nhật, theo cung đường từ Kyoto tới Tokyo hoặc ngược lại thì nên mua JR Pass vì có thể sử dụng được cả tàu Shinkansen hay các loại tàu ra sân bay. Nếu bạn chỉ ở một thành phố và không di chuyển nhiều thì chỉ nên mua thẻ ngày (dao động từ 120.000 đến 180.000 đồng) và có thể dùng được ba loại phương tiện bằng tàu gồm Subway, Metro và JR Lines.
Bên trong một chuyến tàu điện ở Tokyo vào lúc 10:30 tối. Ảnh NickM
Yamanote là line tàu JR phổ biến nhất ở Tokyo và đi qua nhiều điểm trung tâm nên khi tìm chỗ ở, du khách nên chọn địa điểm nghỉ ở gần một trong những ga tàu của line này.
Xe buýt
Là phương tiện công cộng rẻ nhất, xe buýt ở Nhật có hai loại, dành cho đường dài và dành cho nội thành. Cung đường Tokyo và Kyoto có nhiều loại xe bus đêm với giá chỉ khoảng 700.000 đồng với chỗ ngồi có thể ngả thành giường, chỗ để chân thoải mái và di chuyển từ 6 đến 9 tiếng là đến nơi. Điểm đến của xe buýt thường ghi ở mặt trước của xe với cả tiếng Nhật và phiên âm tiếng Anh. Khi muốn xuống, hành khách chỉ cần bấm chuông báo gắn ở trước mặt trước khi xe dừng ở trạm tiếp theo.
Xe buýt cũng là một phương tiện giao thông được sử dụng nhiều tại Nhật Bản.
Nhiều thanh niên Nhật hay các du khách thường chọn di chuyển giữa các thành phố bằng xe buýt vì giá rẻ hơn tàu, lại có thể tiết kiệm một đêm nghỉ ở trên xe. Ngoài ra, ngồi xe buýt còn có thể ngắm được cảnh thành phố mà nếu đi tàu sẽ khó có thể chiêm ngưỡng được. Khi di chuyển trong nội thành Kyoto, đi bằng xe buýt sẽ tiện lợi hơn nhiều so với đi bằng tàu. Nhiều người tới Kyoto thường mua thẻ ngày trọn gói đi buýt với giá tính ra tiền Việt khoảng 200.000 đồng/người.
Từ sân bay đi vào khu vực trung tâm ở các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka, nhiều du khách cũng chọn đi Limousine bus vì giá quy ra tiền Việt chỉ khoảng vài trăm nghìn, rẻ hơn rất nhiều so với đi taxi hay tàu nhanh.
Máy bay
Trong nội địa, nhiều hãng hàng không giá rẻ như Peach Air hay JetStar thường có những đường bay giá rẻ di chuyển giữa các thành phố lớn của Nhật Bản như Osaka hay Tokyo lên các vùng như Hokkaido hay ra đảo Okinawa. Giá vé bay nội địa khứ hồi ở Nhật đôi khi còn rẻ hơn một tấm vé Shinkansen một chiều mua lẻ. Điểm hạn chế của việc bay nội địa là các hãng giá rẻ như Peach Air thường không cho nhiều hành lý (chỉ 10 kg) và không có bữa ăn trên máy bay. Tuy nhiên, các chuyến bay ví dụ như từ Osaka tới Sapporo (thủ phủ của Hokkaido) chỉ dài khoảng hai tiếng nên du khách không quá lo chuyện bị đói bụng.
Taxi
Taxi là phương tiện di chuyển đắt nhất tại Nhật.
Là lựa chọn tiện lợi nhưng lại là phương tiện công cộng đắt đỏ nhất. Taxi ở Nhật có chi phí cao gần nhất thế giới và đôi khi, nhiều tài xế còn khuyên các du khách bỡ ngỡ nên đi tàu vì nếu không họ sẽ rất sốc khi trả tiền theo đồng hồ kilomét. Vào buổi tối, phí taxi có thể tăng lên khoảng 20%. Khi đi du lịch, nếu có quá hành nhiều lý và tính đường đi ra sân bay sẽ phải chuyển tiếp trên hai lần thì lúc đó, bạn nên gọi taxi tới ga gần nhất có thể đi tàu thẳng một mạch ra sân bay.
Xe đạp
Ở các thành phố như Tokyo, Osaka, Kyoto hay Sapporo có rất nhiều không gian thoáng đãng. Những du khách có nhiều thời gian tận hưởng thì có thể di chuyển bằng những chiếc xe đạp để khám phá từng ngóc ngách của đất nước này. Xe đạp là một phương tiện rất phổ biến cho sinh viên cũng như cả nhân viên công sở ở Nhật. Tới Tokyo, bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh những người mặc sơmi, đeo cà vạt ngồi trên những chiếc xe đạp.