Ở Quảng Đông, Trung Quốc có một cây cầu phao cổ vô cùng độc đáo bởi nó được nâng đỡ bằng 86 chiếc thuyền lớn, ngày nay chỉ còn lại 18 chiếc. Khi tàu bè đi qua, đoạn cầu phao sẽ di chuyển sang một bên để tạo ra kênh mở trên sông Hàn.
Cầu Quảng Tế, còn được gọi là cầu Tương Tử (Hàn Tương Tử trong bát tiên), là một cây cầu cổ bắc ngang qua sông Hàn, ngoài cửa Đông thành phố Triều Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Cầu Quảng Tế được xếp vào 4 cây cầu cổ nổi tiếng nhất Trung Quốc (tứ đại cổ kiều) – ba cây cầu cổ khác là An Tế ở Hà Bắc, Lạc Dương ở Phúc Kiến và Lư Cầu ở Bắc Kinh. Có câu nói rằng nếu bạn đến Triều Châu mà chưa đi ngắm cầu Quảng Tế thì chuyến đi của bạn xem như vô giá trị.
Ngoài việc là cây cầu có từ thời xa xưa, mang ý nghĩa lịch sử, cầu Quảng Tế còn là cây cầu phao đầu tiên trên thế giới có thể mở và đóng. Nguyên thủy toàn bộ cầu là một cấu trúc nổi được nâng đỡ bằng 86 chiếc thuyền rất lớn. Ngày nay, chỉ còn phần giữa của cầu được nâng đỡ bằng 18 chiếc thuyền dùng làm phao nổi, có thể di chuyển sang một bên để tạo ra kênh mở cho tàu thuyền đi qua. Đây là cây cầu đầu tiên của Trung Quốc có đặc điểm này.
Trên một đầu cầu có tảng đá khắc bốn chữ “Chặn dòng nước lũ”. Theo truyền thuyết, những chữ này được viết bởi Hàn Tương Tử, một vị tiên trong bát tiên. Vì vậy mà cầu còn được gọi là cầu Tương Tử.
Cầu được khởi công xây dựng từ năm 1170 vào thời Nam Tống và hoàn thành sau 57 năm. Với chiều dài gần 520m, cầu có 24 trụ đá chính (mố cầu) được xây thành đình đài lầu các theo kiểu mái cong ở cả hai đầu Đông-Tây và nhịp giữa dài 100m đặt trên 18 chiếc thuyền.
Cấu trúc của cầu rất đặc biệt, vừa là cầu đá, vừa là cầu phao; bao gồm nhiều khối đá granit được kết dính với nhau bằng đinh tán và mộng định hình thành các trụ lớn và nhỏ.
Vào năm 1723, hai con trâu đúc bằng sắt được đặt ở hai đầu cầu, sau này không còn nữa. Đến năm 1980, người ta đã đặt ở đầu cầu hai con trâu sắt mới.