Với diện tích 135 ha và vùng đệm rộng 500 ha, làng nổi Tân Lập được đầu tư để trở thành khu du lịch đặc trưng của Long An và vùng trũng Đồng Tháp Mười.
Du khách có thể chọn ngồi thuyền chèo hoặc vỏ lãi (loại thuyền máy hình thoi) để đi sâu vào bên trong rừng tràm, sau đó lên bờ để bắt đầu theo con đường lát bê tông tham quan ngắm cảnh rừng tràm.
Tháp quan sát được xây trong rừng tràm có chiều cao 38 mét. Đây cũng là những chòi canh đề phòng cháy rừng, hoặc nhanh chóng định hướng khu vực cháy cho các nhân viên bảo vệ.
Từ trên tháp quan sát, du khách có thể thấy rừng tràm chạy dài đến ngút ngàn tầm mắt. Vào lúc sáng sớm hay chiều về, du khách sẽ chứng kiến từng đàn cò trắng muốt, cồng cộc đen huyền bay ngợp một phía rừng. Đó là lúc chúng túa ra đi tìm thức ăn hoặc trở về sau một ngày vất vả.
Đứng từ tháp này, bạn có thể thấy những tháp khác vươn cao lên khỏi tán rừng.
Từ tháp quan sát nhìn xuống, con đường lát bê tông chạy thẳng vào bên trong rừng tràm. Vì đây là rừng tràm ngập nước quanh năm nên để vào sâu bên trong không còn cách nào khác là phải làm cầu bê tông.
Nó không phải lúc nào cũng thẳng mà uốn lượn theo cánh rừng, hoặc để tránh những vùng nước sâu.
Vào mùa khô, lá tràm rụng đầy trên con đường bê tông này. Đi trong rừng tràm, chỉ có tiếng lá khua xào xạc và tiếng sột soạt của bàn chân đạp trên lá khô. Lòng du khách cảm thấy yên bình đến lạ.
Cũng có những ngã rẻ để đi sâu vào bên trong. Nếu không có hướng dẫn viên đi cùng thì không nên rẽ vì dễ bị lạc đường.
Những chiếc cầu bắc qua con kênh được xây dựng thật chắc chắn và có tính thẩm mỹ.
Dĩ nhiên là không thiếu những cây điên điển. Chúng dùng để ăn như rau sống, hoặc nấu canh.
Sau khi tham quan, du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc sản tại nhà hàng trong làng nổi.
Bạn cũng có thể mua ít món quà lưu niệm, đặc biệt mật ong nguyên chất của rừng tràm rất tốt cho sức khỏe.
Khu du lịch sinh thái – làng nổi Tân Lập đang ngày càng trở nên hấp dẫn và là một địa điểm không thể bỏ qua với những người yêu thích thiên nhiên.